Trong số các dự án mới được cấp phép vào Bình Dương, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan dẫn đầu về số vốn (204 triệu USD), tiếp theo là Singapore (188 triệu USD), Hàn Quốc (65 triệu USD), Nhật Bản (54,5 triệu USD)…
Lý giải việc dòng vốn của các doanh nghiệp Đài Loan rót mạnh vào Bình Dương, ông Ngô Kiến Hoành, Chi hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tại tỉnh Bình Dương cho biết, hạ tầng tốt, môi trường đầu tư thuận lợi và việc đón đầu các cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư Đài Loan.
Trong số các dự án trong lĩnh vực dệt may của Đài Loan được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có không ít dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử, dự án của Công ty TNHH Công nghiệp Delicacy Việt Nam có vốn đăng ký đầu tư lên đến 100 triệu USD.
Ngoài các dự án lớn trong lĩnh vực dệt may, trong 2 tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương đã thu hút được một số dự án có quy mô vốn tương đối lớn, hoạt động trong lĩnh vực chế biến, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ… Đó là Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Công ty Foroline Global Trading PTE (Singapore) với vốn đầu tư 88 triệu USD; Dự án sản xuất và chế biến các loại cà phê của Công ty TNHH UR Coffee (Singapore) với vốn đầu tư là 65,8 triệu USD; Nhà máy sản xuất đèn LED các loại của Công ty TNHH Lumens Vina (Hàn Quốc) với vốn đầu tư 30 triệu USD…
Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2016, tận dụng những lợi thế sẵn có cũng như cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do, Bình Dương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… nhằm tăng cường thu hút đầu tư.
Đón đầu các cơ hội từ TPP, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch, hoàn thiện đầu tư hạ tầng của Khu công nghiệp Bàu Bàng (diện tích 300 ha) để chuyên thu hút các dự án hoạt động trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ.
Trong năm qua, đã có một dự án lớn hoạt động trong lĩnh vực này được cấp phép đầu tư vào khu công nghiệp này. Đó là Dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Việt Nam với tổng vốn đầu tư đến 274 triệu USD. Tiếp nối thành công đó, trong năm nay, nhiều dự án quy mô vốn lớn, hoạt động trong lĩnh vực dệt may cũng đã được giới thiệu, cấp phép hoạt động tại Khu công nghiệp Bàu Bàng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, một dự án có quy mô vốn lớn, hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Bình Dương đang chuẩn bị thủ tục để tăng vốn đầu tư. Chưa có thông tin cụ thể, nhưng sau khi điều chỉnh tăng vốn, dự án này nhiều khả năng có tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 1 tỷ USD.