90% tài sản công được bán đấu giá tại Việt Nam là quyền sử dụng đất |
Trong Báo cáo chuyên đề về hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp cho biết, tài sản được bán đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công. Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 1/2017 - 12/2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 86.607 cuộc đấu giá thành với tổng giá khởi điểm hơn 194.755 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành hơn 233.053 tỷ đồng, đem lại cho người có tài sản, ngân sách nhà nước hơn 38.185 tỷ đồng, nộp thuế cho ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng.
Trong số các tài sản công bắt buộc phải thực hiện đấu giá tài sản, có tới 90% là đấu giá quyền sử dụng đất. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm 0,06% số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.
Ở một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc, việc xử lý tài sản công được giao cho công ty trực thuộc Bộ Tài chính. Ở Pháp, Thái Lan hay Mỹ, việc xử lý tài sản công do một cơ quan nhà nước hoặc đấu giá viên tư pháp do Tòa án chỉ định thực hiện.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các tài sản được bán đấu giá (phần lớn là quyền sử dụng đất) chưa có đầu mối chung để tập trung xử lý, thực hiện bán đấu giá. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, đây chính là kẽ hở pháp lý, dẫn đến nguy cơ trục lợi.
Cùng với đó, nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác thực hiện bán đấu giá tài sản đã được Bộ Tư pháp nêu rõ như giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.
Một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; xuất hiện hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.
Một số nguyên nhân được Bộ Tư pháp chỉ rõ, tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nên phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia đấu giá; đội ngũ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn “mỏng”, có nơi chỉ có 2 - 3 cán bộ nhưng phải xử lý nhiều mảng phức tạp, nhạy cảm, kinh nghiệm, kỹ năng thanh tra còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bộ Tư pháp nhấn mạnh rõ vai trò của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa.
Đơn cử, tại cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND Tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán đấu giá tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Tại cuộc đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát; tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh kịp thời. Trong vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắc Nông; vụ bán đấu giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp đề xuất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tạo cơ sở lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản một cách công khai, khách quan, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng “sân sau”, tiêu cực.
Bộ Tư pháp đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, các tài sản phải bán thông qua đấu giá (pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, pháp luật về thi hành án…); xác định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong việc đưa tài sản ra đấu giá; xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức đấu giá tài sản, yêu cầu người trúng đấu giá nộp tiền mua tài sản, giao tài sản trúng đấu giá, hủy công nhận kết quả đấu giá.
Ngoài ra, cần tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.