Hai mắt xích yếu trong giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp đà tăng tốc trong 2 tháng gần đây, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương phía Nam tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án hạ tầng lớn bắt đầu được thi công. Tuy vậy, công tác giải ngân vẫn vướng những mắt xích yếu, cố hữu cần nhanh chóng khắc phục để “guồng máy” đầu tư công có thể bứt phá trong những tháng còn lại của năm 2023.
Rào cản chủ yếu đối với các dự án đầu tư công ở khu vực phía Nam là vướng mắc giải phóng mặt bằng và khan hiếm vật liệu đắp nền. Ảnh: Lê Tiên
Rào cản chủ yếu đối với các dự án đầu tư công ở khu vực phía Nam là vướng mắc giải phóng mặt bằng và khan hiếm vật liệu đắp nền. Ảnh: Lê Tiên

Theo thống kê, từ đầu tháng 5 đến nay, khoảng 300 gói thầu có giá trị trên 50 tỷ đồng đã được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó, 33 gói thầu giá trị trên 500 tỷ đồng, đặc biệt có nhiều gói thầu xây lắp có giá trị trên 1.000 tỷ đồng thuộc các dự án giao thông trọng điểm đã hoàn tất khâu lựa chọn nhà thầu và được khởi công. Đơn cử, Gói thầu số 3 của Dự án thành phần (DATP) 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 giá trị hơn 1.467 tỷ đồng; Gói thầu số 9-XL của DATP 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 giá trị hơn 2.162 tỷ đồng; Gói thầu số 6.12 của DATP 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 giá trị hơn 2.630 tỷ đồng; Gói thầu XL8 của DATP 1 thuộc Dự án Xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM giá trị hơn 1.417 tỷ đồng; Gói thầu XL số 01 của DATP 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 giá trị hơn 3.479 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, mỗi ngày vẫn có hàng trăm gói thầu được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Chỉ dấu trên cho thấy, nhiều dự án đã hoàn tất khâu chuẩn bị đầu tư và chuyển sang giai đoạn thực hiện, tạo tiền đề cho giải phóng lượng lớn vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, triển vọng khai phóng nguồn vốn đầu tư công vẫn đang vấp phải những trở lực, theo đó 2 rào cản bức bối nhất là vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) và khan hiếm vật liệu đắp nền.

Đồng Nai là địa phương có tổng kế hoạch vốn năm 2023 gần 13 nghìn tỷ đồng. Dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng gần đây có cải thiện đáng kể, nhưng do nhiều dự án hạ tầng lớn bị vướng mặt bằng nên áp lực rất lớn khi còn hơn 9,279 nghìn tỷ đồng phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm.

Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối hai đầu cầu) là một trong những điển hình về tình trạng khó khăn vì vướng mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.506 tỷ đồng, đã được khởi công 6 tháng nhưng nhà thầu chưa có đủ mặt bằng để tiếp cận công trường thi công các trụ, mố cầu. Bên cạnh đó là các dự án nổi cộm khác như Hương lộ 2; Đường, kè và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu)… Tính riêng địa bàn TP. Biên Hòa chỉ có 1 trên 7 công trình hoàn thành GPMB.

Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù gặp nhiều khó khăn vì vướng thủ tục. Ảnh: Tiên Giang

Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù gặp nhiều khó khăn vì vướng thủ tục. Ảnh: Tiên Giang

Một địa phương khác là Bình Dương, câu chuyện về GPMB lại liên quan tới điểm nghẽn di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống lưới điện còn chậm và vấn đề phê duyệt đơn giá đền bù. Không ít dự án vốn kế hoạch năm 2023 lớn gặp trở ngại và chưa thể tăng tốc giải ngân như: DATP 6 Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (vốn kế hoạch 8,859 nghìn tỷ đồng); Dự án Nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai (vốn kế hoạch 782 tỷ đồng)…

Muốn đạt mục tiêu đầu tư công năm nay, Bình Dương cần giải ngân khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, nếu vấn đề GPMB chưa được giải quyết căn cơ thì mục tiêu giải ngân trên 95% vốn kế hoạch là thách thức lớn. Vừa qua, nhiều địa phương phía Nam có tín hiệu khả quan trong GPMB cho các dự án cao tốc, vành đai như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… Tuy vậy, khâu này vẫn được các địa phương đánh giá là còn nhiều khó khăn và phức tạp.

Mắt xích trọng yếu thứ 2 ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân là tình trạng thiếu vật liệu đắp nền cho các công trình xây dựng, nhất là các dự án giao thông. Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền không chỉ xảy ra đối với các dự án cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia mà còn ở các dự án xây dựng do địa phương làm chủ đầu tư. Từ đầu năm tới nay, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và loạt dự án cao tốc, vành đai khác như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TP.HCM… cùng được khởi công. Dù đã bố trí vốn, lựa chọn được nhà thầu nhưng tiến độ thi công chưa thể như kỳ vọng vì thiếu vật liệu đắp nền.

Ngày 20/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4776/BTNMT-KSVN gửi 37 địa phương hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy vậy, theo ghi nhận từ một số chủ đầu tư, nhà thầu, việc giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đắp nền vẫn mất nhiều thời gian. “Việc giao mỏ cho các nhà thầu để khai thác phục vụ dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù là chưa có tiền lệ, với rất nhiều thủ tục phức tạp. Hiện nay, công tác xác định giá cát khai thác còn khó khăn do chưa có hướng dẫn, chưa có định mức”, lãnh đạo một Ban quản lý dự án cao tốc ở vùng Tây Nam Bộ cho biết.

Nhiều nhà thầu cho biết, rất khó tìm nguồn vật việt đắp nền dù chấp nhận giá cao. Mới đây, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Văn Chung, Công ty CP Cường Hùng (tỉnh Đồng Nai) than thở, tình trạng khan hiếm sỏi đỏ, loại vật liệu đắp nền quan trọng khiến nhiều dự án giao thông không thể tăng tốc tiến độ thi công, giải ngân và hàng loạt nhà thầu ở tỉnh Đồng Nai như “ngồi trên đống lửa”. Chỉ trong thời gian ngắn, nhu cầu vật liệu đắp nền tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung ngày càng khan hiếm và thủ tục khai thác khoáng sản phức tạp. Các dự án đầu tư công như “đoàn tàu bị dồn toa”, dù rất muốn tăng tốc băng về đích.

Chuyên đề