Các “cực tăng trưởng” tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Tài chính, tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế tới cuối tháng 6/2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Một tín hiệu đáng mừng nữa là các bộ, ngành, địa phương có lượng vốn kế hoạch năm 2023 lớn, đóng vai trò các “cực tăng trưởng” đang trên đà tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
So với tháng 5, số liệu thanh toán vốn ngân sách nhà nước tháng 6 của các địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn đều tăng đáng kể. Ảnh: Lê Tiên
So với tháng 5, số liệu thanh toán vốn ngân sách nhà nước tháng 6 của các địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn đều tăng đáng kể. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, lũy kế thanh toán vốn NSNN đến ngày 31/5 là hơn 158,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,68% tổng kế hoạch. Ước thanh toán vốn NSNN đến hết ngày 30/6 là 226,1 nghìn tỷ đồng, đạt 28,11% tổng kế hoạch. Nếu chỉ tính kế hoạch vốn giao năm 2023, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đạt 28,63% kế hoạch. Số vốn giải ngân tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Các đơn vị có kế hoạch vốn lớn đều bắt đầu tăng tốc giải ngân. Theo đó, ước đến hết tháng 6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được hơn 34,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,48% so với kế hoạch được giao. Trong đó, riêng tháng 6, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 5,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT, tỷ lệ giải ngân 6 tháng của Bộ GTVT cao gấp 2 lần giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam đạt 24,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 69% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.

“Đầu tàu” đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước là TP. HCM có kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 70,5 nghìn tỷ đồng. Tại địa phương này, tiến độ giải ngân ì ạch suốt 5 tháng đầu năm, nhưng sang tháng 6, số vốn NSNN của TP.HCM thanh toán đạt hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, giúp TP. HCM cải thiện 14 bậc, tiệm cận nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước. Tổng số vốn đầu tư công được giải ngân của TP.HCM tính tới hết tháng 6/2023 đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch.

Tại khu vực phía Nam, một địa phương khác cũng có sự bứt tốc giải ngân đáng kể là Bà Rịa - Vũng Tàu. Ước tính tới hết tháng 6, địa phương này giải ngân hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, đạt 31,80% so với tổng kế hoạch và 42,28% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Phần lớn lượng vốn đầu tư công được Bà Rịa – Vũng Tàu phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông – lĩnh vực luôn giữ được tốc độ giải ngân khá, tăng ổn định qua từng tháng. Cụ thể, theo số liệu thống kê của địa phương này, tỷ lệ giải ngân lần lượt là: 14,12% (tháng 3), 20,42% (tháng 4) và 27,06% (tháng 5).

Tình hình giải ngân của các địa phương có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng GDP

Tình hình giải ngân của các địa phương có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng GDP

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Chủ đầu tư các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An cho biết, việc khởi công 2 dự án quan trọng đang và sẽ giúp Ban giải ngân khoảng 20% vốn đầu tư công tính trên tổng kế hoạch năm 2023 trong 2 tháng tới đây.

Về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn NSNN, Bộ Tài chính cho biết, so với tháng 5, số liệu thanh toán vốn NSNN tháng 6 của các địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn đều tăng đáng kể. Cụ thể, tháng 6, tỉnh Bình Dương đạt 31,33% (tháng 5 đạt 16,66%); Đồng Nai đạt 31,49% (tháng 5 đạt 13,53%); Hà Nội đạt 27,38% (tháng 5 đạt 24,61%); Hải Phòng đạt 52,04% (tháng 5 đạt 44,37%); Thanh Hóa đạt 39,88% (tháng 5 đạt 21,73%); Quảng Ninh đạt 31,3% (tháng 5 đạt 16,3%); Hưng Yên đạt 25,53% (tháng 5 đạt 14,65%); Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 42,28% (tháng 5 đạt 35,91%). Đặc biệt là TP.HCM bật lên 22,1% (tháng 5 chỉ đạt 5,41%)… Sự cải thiện rõ nét về dòng vốn giải đầu tư công cho thấy, các vướng mắc cố hữu về giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư… đã được các địa phương tháo gỡ phần nhiều.

Ở một thống kê khác, số lượng thông báo mời thầu và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 gia tăng đáng kể. Diễn biến này cho thấy, trong các tháng tới số lượng dự án, gói thầu chuyển sang giai đoạn thực hiện sẽ gia tăng, dòng chảy vốn đầu tư công sẽ ngấm vào nền kinh tế.

Trong khi các tỉnh thành ghi nhận tín hiệu tích cực về giải ngân vốn đầu tư công thì tốc độ giải ngân của một số bộ, ngành cho thấy chưa có chuyển động đáng kể. Chẳng hạn, Bộ Y tế mới đạt 3,61%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 5,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ đạt 3,4%, Bộ Tài chính đạt 1,02%...

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/7/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm có nguyên nhân từ việc quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân mà Chính phủ đã chỉ đạo. Năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công lớn nhất trong các năm, với 711.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là nhiệm vụ lớn, nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm, để đáp ứng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ được giao.

Theo Bộ Tài chính, tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước lũy kế tới cuối tháng 6/2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Một tín hiệu đáng mừng nữa là các bộ, ngành, địa phương có lượng vốn kế hoạch năm 2023 lớn, đóng vai trò các “cực tăng trưởng” đang trên đà tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư