Kỳ vọng tăng tốc đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều bộ, ngành, địa phương trong tháng 5 đã tăng tốc thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo đặc thù thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, các tháng đầu năm thường là thời gian chuẩn bị và tăng tốc vào nửa cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm.
5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh:Lê Tiên
5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh:Lê Tiên

Cùng với đó, sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như mối quan tâm rất lớn từ các đại biểu Quốc hội với nhiều giải pháp được đề xuất, kỳ vọng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công trong thời gian tới.

Chuyển biến từ thực tiễn

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khối cơ quan trung ương, Bộ Giao thông vận tải thực hiện được 25.582 tỷ đồng, tăng 79,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện được 2.198 tỷ đồng, tăng 54,9%. Nhiều địa phương cũng tăng tốc trong tháng 5, TP.HCM thực hiện được hơn 10.260 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2022; Bình Dương thực hiện được hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 95,8%. Hòa Bình thực hiện được 3.087 tỷ đồng, tăng đến 99% so với cùng kỳ năm trước.

Về số liệu giải ngân, số liệu tháng 4 cho thấy dấu hiệu tăng tốc, với số vốn giải ngân trong tháng của cả nước đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm (khoảng 24 nghìn tỷ đồng/tháng). Giải ngân 4 tháng tuy tỷ lệ đạt thấp hơn cùng kỳ, nhưng số lượng tuyệt đối, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cao hơn rất nhiều. 5 tháng, nhiều bộ, địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 30%.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng đôn đốc công tác giải ngân.

Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ KH&ĐT đã ban hành 7 công điện, 6 văn bản đôn đốc hướng dẫn và trực tiếp làm việc với rất nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân đã có tiến bộ rất tích cực. Tinh thần chung, Thủ tướng vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, giải ngân còn chậm có nguyên nhân là nhiều dự án đầu tư mới, thủ tục thực hiện theo quy định, xong vấn đề này mới làm đến vấn đề khác, không làm song song các thủ tục được. Đến nay cơ bản đã xong thủ tục, tập trung từ nay đến cuối năm đẩy nhanh giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công thường tăng tốc trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm. Ảnh: Nhã Chi

Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công thường tăng tốc trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm. Ảnh: Nhã Chi

Quyết liệt, tăng trách nhiệm trong thực hiện đầu tư công

Tuy nhiên, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương thực hiện, giải ngân tốt vốn đầu tư công, vẫn còn nhiều đơn vị giải ngân thấp. Kế hoạch vốn năm 2023 còn rất nhiều, áp lực giải ngân thời gian tới rất lớn.

Trong một ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, vì đây là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay, doanh nghiệp, người dân rất trông chờ. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt những giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan tâm đến các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, tháo gỡ những khó khăn về giải phóng mặt bằng, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cương quyết điều chuyển vốn đầu tư những nơi chưa hoàn chỉnh hồ sơ giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm để phân bổ cho những nơi làm tốt công tác này. Khắc phục tình trạng vốn chờ công trình, ghi vốn trước, làm các bước thủ tục sau.

Trước một số ý kiến nhận định giải ngân vốn đầu tư công rất chậm và trở thành điểm nghẽn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ, đã rà soát lại các số liệu, đánh giá như vậy là chưa thỏa đáng. Trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ, quan tâm lớn đến công tác giải ngân với nhiều giải pháp. Ở kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội đã rà soát thể chế và ban hành 1 luật sửa 9 luật để tháo gỡ vướng mắc đầu tư công. “Năm 2017 giải ngân 73%, 2018 giải ngân 66,9%, 2019 giải ngân 67,5%, 2020 giải ngân 90%, 2021 giải ngân 93,4% và 2022 giải ngân 93%. Như vậy, rõ ràng trong 2 năm vừa qua tốc độ giải ngân tốt hơn bình quân 5 năm 2016 - 2020”, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn số liệu thực tế và cho rằng, đây là một nỗ lực cần đánh giá đúng mực, nhất là khi số tiền kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 lớn hơn rất nhiều giai đoạn trước.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ bằng những cuộc họp bất thường, có nhiều nghị quyết để tháo gỡ khó khăn này, làm đến cùng. Trên thực tế có nhiều tỉnh giải ngân rất tốt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân cấp, phân quyền rất nhiều, chỉ đạo rất quyết liệt thời gian qua. “Khi trao đổi với cán bộ cơ sở, anh em tâm sự là "cái khó ở đây làm sao tham mưu phải đúng quy định của pháp luật nhưng cũng phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo", ông Hạ chia sẻ và cho rằng, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu để xảy ra chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ này.

Thông tin tới đại biểu Quốc hội về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế. Riêng năm 2023 có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 23% so với năm 2022); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...

Để đẩy nhanh việc giải ngân, Bộ trưởng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chỉ ra thực tế cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương giải ngân cao, địa phương đạt thấp, đó là ở khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp quan tâm công tác giải ngân tại địa phương mình, ngành mình, góp sức tạo chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Chuyên đề