Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 400 km đường sắt đô thị vào năm 2035. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Nguyễn Bá Sơn |
Dự kiến, đến năm 2035, hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ phát triển thế nào, thưa ông?
Hà Nội đã thông qua Đề án Tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) giai đoạn 2024 - 2045. Tại Đề án, đến năm 2035, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 400 km, bao gồm 10 tuyến, cả đoạn đi ngầm và đi nổi, với nhu cầu vốn trên 37,2 tỷ USD. Đến năm 2045, Thành phố đầu tư tiếp 5 tuyến còn lại, nâng tổng số lên 15 tuyến với tổng chiều dài khoảng 616,9 km và tổng vốn đầu tư lên trên 55 tỷ USD.
Hiện nay dân số Hà Nội là 8 triệu người. Vào giờ cao điểm, người dân thường phải mất cả tiếng đồng hồ di chuyển trên tuyến đường chỉ dài khoảng 10 km. Nếu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đồng bộ, liên vận giữa các tuyến với nhau thì có thể vận chuyển 400 - 500 triệu lượt hành khách/ngày. Việc đầu tư đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội.
Xin ông cho biết thông tin về tiến độ triển khai tuyến ngầm của Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội?
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể thi công tuyến ngầm của metro Nhổn - ga Hà Nội đã đạt 49%. Trong đó, 3 trong số 4 ga ngầm đã thi công đến bản đáy (tức là bản chạy tàu), ga 12 (ga cuối cùng) và gara (chỗ đỗ tàu) đang thi công để hoàn thành tấm bản định. Còn đối với tuyến hầm, hiện có 2 ống hầm (mỗi ống hầm dài 4 km) đang được khoan bằng máy đào hầm TBM, trong đó ống hầm thứ nhất đã khoan được 495 m (bắt đầu khoan từ ngày 30/7/2024).
Nhìn chung, tiến độ đoạn ngầm đang bám sát kết hoạch. Máy đào hầm sẽ khoan với tốc độ bình quân là 10 - 12 m/ngày đêm, tùy thời điểm có thể đẩy lên 14 - 15 m/ngày đêm. Dự kiến kết thúc hạng mục đào hầm vào tháng 11/2025. Sau đó là phần việc của các nhà thầu thiết bị như thông tin - tín hiệu, hệ thống vé, lắp đặt ray, thông tin tích hợp hệ thống và vận hành thử trước khi vận hành thương mại vào năm 2027.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là một dự án vô cùng phức tạp, gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là khâu GPMB, làm kéo dài thời gian thi công, phát sinh chi phí… Thực tế, đoạn ngầm dài 4 km đã gặp nhiều vướng mắc do phải đền bù GPMB dưới lòng đất.
Ông có đề xuất gì để Hà Nội có thể hoàn thành được mục tiêu 400 km đường sắt đô thị vào năm 2035?
Theo tôi, để đẩy nhanh quá trình đầu tư các dự án đường sắt đô thị trong tương lai, cần có cơ chế đột phá. Trước tiên, cần cụ thể hóa Luật Thủ đô về GPMB và khai thác công trình dưới lòng đất… Trình tự thủ tục cần được đơn giản hóa để rút ngắn thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án, GPMB.
Bên cạnh đó, các dự án metro đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù để đa dạng hóa nguồn lực, huy động khu vực tư nhân. Để thu hút các thành phần kinh tế, cần xem xét cơ chế nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, tham gia đầu tư, phát triển các dự án hệ thống phụ trợ nằm trong quy hoạch để tái đầu tư hạ tầng. Ví dụ như cho phép tăng hệ số sử dụng đất tại các nhà ga để thu hút nhiều người dân đến sinh sống, làm việc, mua sắm tại các khu đô thị mới, phát triển các trung tâm thương mại…, từ đó làm gia tăng giá trị đất đai, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho Thành phố.
Để phục vụ cho các dự án sắp triển khai, ngành đường sắt cần một nguồn nhân lực “khổng lồ” trong thời gian tới. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, định hướng đào tạo nguồn nhân lực, cũng như thu hút nhân tài phục vụ cho việc xây dựng, vận hành khai thác. Trong đó, cần có sự hợp tác với các trường đại học, cơ sở đào tạo để đào tạo ra các kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực đường sắt.
Đối với một dự án lớn có thời gian đầu tư dài, thông thường chủ đầu tư sẽ phải thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án. Do đó, đội ngũ tư vấn trong nước cũng cần nâng cao năng lực, không chỉ về lĩnh vực xây dựng, mà còn cả tư vấn thiết bị, bởi phần thiết bị trong dự án metro chiếm tới 50% khối lượng công việc.