Gợi ý mới về tích hợp mạng lưới giao thông

(BĐT) - Xuất khẩu là một động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Để hỗ trợ tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa, theo Ngân hàng Thế giới (WB), một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian gắn với các chuỗi giá trị quan trọng; đồng thời khai thác hợp lý hạ tầng giao thông, thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn cho thấy hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước. Ảnh: Vi Hồng Thái
Tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn cho thấy hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước. Ảnh: Vi Hồng Thái

Đầu tư hạ tầng gắn với chuỗi giá trị

Ngày 15/1/2020, WB công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam - Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung” và một trong những nghiên cứu đầu vào cho báo cáo này với tiêu đề “Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại”. 

Trong số những nhóm ngành xuất khẩu có lợi thế so sánh, nhóm nghiên cứu của WB chọn 9 chuỗi giá trị gồm dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm gỗ, gạo, nuôi trồng thủy sản, cà phê, cao su, rau quả. Những chuỗi này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chuỗi giá trị của 9 lĩnh vực, với tất cả các mối liên kết từ đầu vào, sản xuất tới cửa khẩu - nơi xuất khẩu hàng hóa đã xây dựng và xác định được các liên kết vận chuyển dọc theo các chuỗi giá trị. Các chuỗi giá trị và các liên kết vận chuyển tạo ra một bản đồ các hành lang giao thông của chuỗi giá trị quan trọng, tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh thương mại của 9 nhóm ngành này.

Theo bà Jen Jung Eun Oh - chuyên gia giao thông cao cấp của WB, những hành lang vận chuyển quan trọng của 9 chuỗi giá trị này tập trung xung quanh các trung tâm kinh tế lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, kết nối các tỉnh lân cận tham gia chuỗi giá trị; giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM; giữa Hà Nội và biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc; dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung; giữa miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đảm bảo chất lượng của kết cấu hạ tầng và các dịch vụ logistics cần thiết dọc theo các hành lang này sẽ giúp giảm chi phí thương mại và vận chuyển liên quan đến các chuỗi giá trị, điều rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Để kết nối của Việt Nam trở nên tốt hơn, WB đề xuất thay đổi quan điểm về giao thông để hỗ trợ các chuỗi giá trị quan trọng. Mức độ quan trọng của các chuỗi giá trị cần được thông tin minh bạch để xây dựng chiến lược đầu tư và lập kế hoạch cho giao thông. Hiện nay, thông tin thương mại, đặc biệt là về chuỗi giá trị, hiếm khi được sử dụng trong việc ra quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng chính sách phát triển hạ tầng giao thông.

Về dài hạn, bà Jen Jung Eun Oh cho rằng, cần thiết lập một cơ chế để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân quan trọng - chủ hàng, nhà cung cấp dịch vụ logistics, những đối tác trong ngành kinh tế khác - trong quá trình thiết lập và thực thi kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng.

Không cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp, thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông. Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt, nhưng với dư địa tài khóa hạn chế cho đầu tư hạ tầng, Việt Nam cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương.

Cụ thể, Báo cáo cho thấy hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ.

WB khuyến nghị Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về năng lực, tắc nghẽn và mất cân đối cung cầu tại các cửa ngõ quốc tế. Khi thương mại phát triển, năng lực của các cửa khẩu quốc tế lớn nhất cũng trở nên hạn chế, trong khi một số cửa khẩu mới phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kết nối nội địa. Để giải quyết thách thức, Việt Nam cần phát triển hơn nữa các cửa khẩu mới có năng lực và hiệu quả cao hơn, đồng thời cải thiện sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương trong việc đảm bảo kết nối nội địa của các cửa khẩu chính.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề giải pháp tích hợp chính sách giao thông và chuỗi giá trị thương mại như thế nào, vì giao thông vận tải là hạ tầng cứng, trong khi chuỗi giá trị linh hoạt, thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay phần lớn mới đầu tư phát triển kết nối Bắc - Nam, cần nghiên cứu phát triển hành lang Đông - Tây để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, không bị vô hiệu hóa kết nối hạ tầng khi các quốc gia khác chú trọng phát triển kết nối hạ tầng Đông - Tây.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, với nguồn lực có hạn, Chính phủ Việt Nam rất cân nhắc ưu tiên đầu tư như thế nào trong tài khóa 5 năm, 10 năm tới. Đồng thời, vấn đề cạnh tranh giữa các địa phương là khó tránh khỏi với thể chế, cơ chế thu chi, điều tiết ngân sách hiện nay. Lãnh đạo tỉnh nào cũng cần tận dụng hết lợi thế của địa phương mình để đáp ứng yêu cầu thu ngân sách, trong khi Việt Nam lại chưa có chính quyền vùng để có thể điều tiết hiệu quả, có hiệu lực các vấn đề liên vùng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư