Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang “khóc dở mếu dở” với công trình dang dở, tính toán thiệt hại lên tới cả tỷ đồng... Ảnh Internet |
Dây dưa tiến độ nhiều năm
Báo Đấu thầu vừa nhận được văn bản đề nghị đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Nhà thầu vi phạm là Công ty TNHH Liên doanh xây dựng VIC (gọi tắt là Nhà thầu VIC) có địa chỉ tại số 323 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, sau khi thi công xong phần thô, Nhà thầu VIC làm cầm chừng kéo dài thời gian thi công công trình. Sau nhiều lần gửi công văn và tổ chức họp, đôn đốc triển khai công việc, nhưng Nhà thầu VIC không chấp hành và không có phản hồi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 kết luận, nhà thầu này vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Sau nhiều lần trao đổi không giải quyết được, tháng 3/2016, Chủ đầu tư đã đơn phương thanh lý hợp đồng và yêu cầu Nhà thầu trả lại phần kinh phí tạm ứng, tuy nhiên Nhà thầu không chấp hành.
Trước hành vi “chây ì” của nhà thầu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 báo cáo và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đơn phương chấm dứt hợp đồng và triển khai các thủ tục xây dựng cơ bản tiếp theo để đưa công trình vào sử dụng, tránh lãng phí tài sản nhà nước.
Chia sẻ thêm thông tin, ông Vũ Quảng, Trưởng phòng Quản trị đời sống của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh: “Nhà thầu VIC đã vi phạm tiến độ Gói thầu từ rất lâu. Chúng tôi đã có hàng chục cuộc làm việc để đốc thúc họ hoàn thành hợp đồng. Tại các cuộc làm việc đó, họ luôn cam kết sẽ hoàn thành, song đều bỏ đấy mà không thực hiện. Như vậy là không thể chấp nhận được”.
Ngày 30/12/2011, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ký hợp đồng với Công ty TNHH Liên doanh xây dựng VIC để thi công Gói thầu: “Công trình ký túc xá 4 tầng số 2”. Thời gian thực hiện Gói thầu là 285 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Chủ đầu tư thiệt đơn, thiệt kép
Về kiến nghị hình thức xử lý vi phạm, ông Quảng cho biết: “Đến nay, Trường đã yêu cầu văn phòng thừa phát lại xác định toàn bộ khối lượng Nhà thầu thi công. Trường vẫn chưa kiến nghị xử lý Nhà thầu VIC mà chỉ yêu cầu Nhà thầu hoàn tất công trình, nhưng Nhà thầu không đáp ứng được…”.
Trước đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã nhiều lần yêu cầu VIC trả lại phần kinh phí tạm ứng, song Nhà thầu không chấp hành. Thông tin về vấn đề này, ông Quảng cho hay: “Đến nay, Chủ đầu tư đã thanh toán tạm ứng cho Nhà thầu vượt khối lượng khoảng 30% so quy định. Đây là nguyên nhân khiến tranh chấp giữa hai bên chưa thể giải quyết. Còn phần khối lượng, hiện VIC mới thi công đạt 70% khối lượng Gói thầu theo hợp đồng ký kết”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Thế, đại diện Công ty TNHH Liên doanh xây dựng VIC chỉ cho biết: “Đây là câu chuyện dài mà ông cũng chỉ nghe nói, còn ngọn ngành thế nào ông cũng không rõ…”.
Theo chuyên gia đấu thầu, để chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng và gửi quyết định lên cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu để công khai thông tin. Trong quyết định này, chủ đầu tư ra quyết định xử lý vi phạm của nhà thầu vi phạm. Chuyên gia cũng thẳng thắn: “Việc quản lý hợp đồng mà để chậm tới 5 năm thì rõ ràng đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư phải có biện pháp với nhà thầu ngay như: chấm dứt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh… Đối với việc chủ đầu tư tạm ứng vượt 30% giá trị khối lượng thực hiện thực tế là lỗi của chủ đầu tư, nếu không tịch thu được khoản tiền này sẽ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ đầu tư không chấm dứt được hợp đồng, tịch thu được bảo lãnh thì có thể kiện nhà thầu ra tòa”.