Người tham gia đấu giá có thể thỏa thuận với tổ chức đấu giá để nộp tiền đặt trước trước thời hạn theo quy định |
Theo một số tổ chức ĐGTS ở tỉnh Quảng Ninh, quy định tổ chức ĐGTS chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, và phương thức nộp tiền là chuyển vào tài khoản của tổ chức hành nghề đấu giá mở tại ngân hàng (tại Điều 39 Luật ĐGTS) không thuận lợi cho tổ chức ĐGTS trong việc đối soát khách hàng nộp hồ sơ. Cụ thể, đối với những phiên đấu giá có số lượng người tham gia quá đông, lên tới hàng nghìn thì việc đối soát tài khoản với ngân hàng chỉ trong 3 ngày làm việc là rất khó khăn, dồn dập. Nếu không thực hiện đối soát được thì nhiều người không đủ điều kiện để tham gia cuộc đấu giá.
Cũng liên quan đến tiền đặt trước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh, Khoản 1 Điều 39 Luật ĐGTS quy định: “Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức ĐGTS mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xa các ngân hàng thương mại, việc đi lại khó khăn ảnh hưởng đến việc người tham gia đấu giá đi nộp tiền và nhận lại tiền đặt trước tại ngân hàng.
Mặt khác, khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá (trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày), người đăng ký tham gia đấu giá vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào 2 ngày sau đó. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện dễ nảy sinh tiêu cực khi có tình trạng nhiều người đã đăng ký tham gia đấu giá mà chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thoả thuận với nhau, sau đó chỉ có 1 hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản. “Những người đã mua hồ sơ tham gia đấu giá nhưng không nộp tiền đặt trước thì chỉ bị mất tiền mua hồ sơ, nhưng phía sau sẽ là sự thông đồng, dìm giá, tiêu cực trong ĐGTS”, một tổ chức ĐGTS phân tích.
Theo lý giải của Bộ Tư pháp, theo quy định, chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức ĐGTS và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá. Mục đích của quy định này nhằm tránh tình trạng tổ chức ĐGTS thu tiền mặt với giá trị lớn và sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào mục đích khác, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá.
Với mục đích đó, Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp khuyến nghị, người tham gia đấu giá khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá có thể thỏa thuận với tổ chức đấu giá để nộp tiền đặt trước trước thời hạn theo quy định của Luật ĐGTS để tổ chức ĐGTS có đủ thời gian đối soát với ngân hàng. Bên cạnh đó, tổ chức ĐGTS cần có kế hoạch tổ chức đấu giá cụ thể, bố trí nhân lực cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người đăng ký tham gia đấu giá đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xa các ngân hàng thương mại, việc đi lại khó khăn thì người tham gia đấu giá có thể ủy quyền cho cá nhân khác nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá theo quy định của Bộ luật Dân sự và thỏa thuận với tổ chức ĐGTS về việc nhận lại tiền đặt trước bằng tiền mặt.
Để tránh những tiêu cực trong đấu giá (người tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá), Luật ĐGTS tại Điểm d Khoản 1 Điều 19; Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 47 đã có quy định về việc người có tài sản có quyền yêu cầu tổ chức đấu giá, đấu giá viên dừng việc tổ chức ĐGTS, dừng cuộc đấu giá. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự tại Điều 218 đã quy định cấu thành tội phạm đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán ĐGTS.
Do đó, khi có dấu hiệu bất thường trong hoạt động đấu giá, người có tài sản có thể thực hiện quyền của mình (dừng việc tổ chức ĐGTS, dừng cuộc đấu giá) để hạn chế những hành vi tiêu cực nêu trên.