Tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa phận Cần Thơ chậm so với kế hoạch. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Do tiến độ giải phóng mặt bằng tại Cần Thơ, Cà Mau chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường để khởi công theo kế hoạch (tháng 12/2022), sớm “xóa trắng” cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gồm 1 gói thầu xây lắp có giá trị 7.966 tỷ đồng. Đây cũng là gói thầu có giá trị lớn nhất trong 25 gói thầu của Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu xây lắp, gồm: Gói thầu XL-01 trị giá 7.256 tỷ đồng; Gói thầu XL-02 trị giá 3.835 tỷ đồng và Gói thầu XL-03 trị giá 3.334 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư), hiện công tác lập thiết kế kỹ thuật, dự toán của các gói thầu thuộc 2 dự án đã được thẩm định để thực hiện các thủ tục chỉ định thầu, chuẩn bị khởi công.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cần Thơ - Hậu Giang, dự kiến hết tháng 11/2022 sẽ hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường 37,65/37,65 km (100%) phần cao tốc, và 1,23/9,25 km (13%) phần tuyến nối. Đối với Dự án Hậu Giang - Cà Mau, phê duyệt phương án bồi thường dự kiến đạt 66,50/72,22 km (91%) phần cao tốc.
Về tái định cư, dự kiến có khoảng 970 hộ tái định cư phục vụ 2 dự án được bố trí tại 8 khu, trong đó có 5 khu xây mới (4 khu ở Hậu Giang, 1 khu ở Kiên Giang) và 3 khu có sẵn (tại Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau).
Đối với công tác bố trí vốn và chi trả, theo đại diện Chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án nói trên là 1.832 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 951 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 881 tỷ đồng. Báo cáo mới nhất cho thấy, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã giải ngân được 555 tỷ đồng. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau giải ngân được 469,2 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thủ tục triển khai phê duyệt phương án bồi thường của Cà Mau, Cần Thơ chậm so với kế hoạch do chính địa phương ban hành. Cụ thể, đối với Cần Thơ, đến nay mới giải ngân được 33 tỷ đồng (đạt 20%). Tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa phận Cần Thơ hiện không đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết 18/NĐ-CP. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương này khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường và chi trả trong tháng 11/2022.
Trong khi đó, đối với địa bàn tỉnh Cà Mau, vốn đặc thù địa chất yếu, cần nhiều thời gian và chi phí xử lý khi thi công. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh này phấn đấu bàn giao mặt bằng phần tuyến nối trước 31/1/2023 (kế hoạch trước đó là 30/5/2023).
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư các tỉnh đang chậm so với tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu. Theo các địa phương, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề ngoài khả năng xử lý của tỉnh dẫn tới chậm trễ. Cụ thể, tại Hậu Giang, chi phí xây dựng Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau và Khu tái định cư thị trấn Vĩnh Viễn tăng 18,79 tỷ đồng so với phê duyệt. Đồng thời, đoạn qua địa bàn tỉnh này phát sinh thêm nhiều điểm phải mở rộng phạm vi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, do đó phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị tăng phạm vi giải phóng mặt bằng để thiết kế nút giao phù hợp với quy hoạch, chi phí tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng…
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc tăng các chi phí nói trên chỉ làm thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư. Do đó, đề nghị chủ đầu tư các tiểu dự án điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí giải phóng mặt bằng để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh.