Gỡ nợ xấu để có thêm nguồn lực tăng trưởng

(BĐT) - Tại phiên thảo luận ở tổ vào buổi làm việc cuối cùng của tuần qua, các đại biểu Quốc hội đồng thuận về việc cần thiết phải có Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. 
Xử lý tài sản bảo đảm đang là điểm nghẽn của việc giải quyết nợ xấu. Ảnh: Lê Tiên
Xử lý tài sản bảo đảm đang là điểm nghẽn của việc giải quyết nợ xấu. Ảnh: Lê Tiên

Song, quá trình xây dựng và thực thi phải làm sao để tránh việc trục lợi từ Nghị quyết.

Càng để lâu, càng bi kịch

Cho ý kiến về Nghị  quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội) ví von, nợ xấu là loại hàng hóa cần thị trường, phải có người mua, người bán và có hàng hóa. Mặc dù chúng ta có thị trường nhưng hàng hóa lại nghèo nàn, những hàng hóa mà người mua quan tâm (như các khoản nợ gắn với bất động sản, gắn với quyền sử dụng đất) thì lại chưa giao dịch được. Do đó, ông Thắng cho rằng, nghị quyết này có thể giải quyết vấn đề căn bản của thị trường. Hàng hóa có thể bán được với giá tốt hơn nhiều khi Dự thảo Nghị quyết cho phép mọi tổ chức cá nhân được mua nợ xấu thay vì phải có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

Ủng hộ việc ban hành Nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhận định, nếu càng để lâu càng bi kịch cho nền kinh tế chung, có khả năng phá sản hệ thống ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. “Khi xử lý các khoản nợ xấu phải đứng trên nguyên tắc công bằng bảo vệ người cho vay và đi vay. Phải có điều khoản ràng buộc, tránh lợi dụng Nghị quyết để hợp thức hóa những khoản làm sai của ngân hàng”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, phải xác định rõ mục đích ban hành Nghị quyết để giúp lợi ích xã hội, nhân dân. Quan trọng hơn, đại biểu Nghĩa cho rằng, tháo gỡ nợ xấu để có thêm nguồn lực để tăng trưởng. Ông Nghĩa đề xuất, phải xác định rõ chủng loại, phạm vi, thời gian phát sinh của nợ xấu; lựa chọn kỹ những khoản nợ xấu được áp dụng theo Nghị quyết. Bởi, có những nợ xấu hợp pháp, nợ xấu không hợp pháp do tiêu cực hay tham nhũng của cán bộ ngân hàng phải được xác định rõ thuộc diện áp dụng Nghị quyết hay không. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải trình ra Quốc hội Đề án chi tiết thực hiện để theo dõi, giám sát, chứ không áp dụng “đại trà”.

Quan trọng hơn, đại biểu Nghĩa cho rằng, Quốc hội cần có nghị quyết riêng giao Chính phủ, NHNN tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức gây ra các khoản nợ xấu. Hai nghị quyết phải đi song song, xử lý trách nhiệm phải song song. 

Tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém

Từ thực tế triển khai Luật Các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Thắng nêu lên câu chuyện về việc NHNN mua lại 2 ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém với giá 0 đồng trong thời gian qua và khẳng định đây là một trong những bất cập của khung pháp lý. Nội dung của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã đặt vấn đề hình thức xử lý với các ngân hàng này là sáp nhập, hợp nhất, buộc phải bán, chuyển nhượng. Điều quan trọng hơn là quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc quyết định các hình thức xử lý này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật có thể coi là đi trước một bước.

Đặt vấn đề sâu hơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải sửa Luật Các tổ chức tín dụng để có thể quy định cả việc cho vay, thế chấp, thu hồi vì có nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với kinh tế thị trường.

Đại biểu Nghĩa cho biết, thực tế việc thu hồi nợ, kể cả nợ không xấu rất nhiêu khê, con nợ thì nhơn nhơn coi thường pháp luật, chủ nợ thì khổ sở vì thủ tục hành chính và tố tụng, tốn thời gian mà hiệu quả thấp. Thậm chí càng kiện thì càng lỗ, thắng kiện rồi nhưng vẫn không thi hành được khi chỉ có bản án trong tay.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị không nên vội vã, cần nghiên cứu thật kỹ. Không nên sửa một số điểm mà phải sửa về thể chế và định chế để phù hợp với các quy định của kinh tế thị trường và tập quán quốc tế.

Chuyên đề