Thị trường mua sắm công trong nước sẽ mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên |
Tỷ lệ tối thiểu 20%
Nhằm giúp DNNVV thực hiện hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công, Điều 16 thuộc Chương II của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có đưa ra quy định: Cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng.
Để hỗ trợ các DNNVV có sản phẩm đổi mới sáng tạo, Dự thảo Luật còn quy định hỗ trợ các sản phẩm đổi mới sáng tạo thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo được ưu đãi tham gia kế hoạch mua sắm công của Chính phủ thông qua cơ chế ưu đãi khi đấu thầu.
Cụ thể, DNNVV có sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo được ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá. Trường hợp nhà thầu chào hàng hoá là sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo và nhà thầu không thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo thì nhà thầu chào hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo được ưu đãi bằng cách trừ đi một số tiền trong giá dự thầu hoặc giá đánh giá khi so sánh, xếp hạng nhà thầu hoặc được cộng một số điểm trong điểm tổng hợp; hoặc trong bước đánh giá về kỹ thuật thì ưu tiên cộng điểm cho nhà thầu có sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định Danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo (gồm đại diện các bộ, ngành, liên quan và các chuyên gia) sẽ có trách nhiệm tiến hành đánh giá và lựa chọn sản phẩm theo lĩnh vực và trình Thủ tướng ban hành Danh mục sản phẩm ưu tiên mua sắm công.
Đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã và đang thực hiện. Hàn Quốc có quy định tăng tỷ lệ trong mua sắm trực tiếp đối với sản phẩm là nguyên vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghệ cao của DNNVV. Ở Trung Quốc, trong Luật Xúc tiến DNNVV có quy định khi mua sắm hàng hoá, dịch vụ thì Chính phủ phải ưu tiên đầu tiên cho DNNVV. Còn ở Mỹ, 35% số tiền Liên bang cấp cho các hợp đồng được dành cho DN nhỏ xúc tiến xuất khẩu.
Cơ hội cho 40.000 DNNVV
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có quy định các gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
Trong đánh giá tác động (RIA) về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế, nhận định: Thị trường cho DNNVV sẽ mở rộng với khả năng cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho các cơ quan nhà nước trị giá xấp xỉ 21 tỷ USD. Nhưng trước hết, nó sẽ là gói kích cầu đối với sản phẩm và dịch vụ của DNNVV sẽ có khoảng 40.000 DNNVV có cơ hội tiếp cận các hợp đồng mua sắm công.
Cũng theo đánh giá từ kết quả nghiên cứu độc lập của ông Lê Duy Bình, sẽ có khoảng 0,2 triệu việc làm mới từ cơ hội của các hợp đồng mua sắm công. Các DN sẽ giúp cải thiện dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, cấp nước...
Trong lần hiến kế xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV trước đây, Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC có lưu ý, thủ tục về hồ sơ kế toán DN, kê khai thuế của DNNVV lại là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất khi họ tham gia đấu thầu các dự án nói chung và các dự án đầu tư công nói riêng.