Giám sát chặt cho vay chứng khoán

(BĐT) - Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường chứng khoán giúp nền kinh tế có thêm một kênh huy động vốn hiệu quả. 
Thị trường chứng khoán năm 2017 đã tăng 48%, 1 tháng 2018 tăng khoảng trên 10%
Thị trường chứng khoán năm 2017 đã tăng 48%, 1 tháng 2018 tăng khoảng trên 10%

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ thiếu bền vững, thậm chí có thể xảy ra bong bóng, đổ vỡ nếu sự tăng trưởng của thị trường này quá nóng và không song hành với sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC), tốc độ tăng giá cổ phiếu trong năm 2017 là 48%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (khoảng 26%). Đặc biệt, giá một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nóng. Sự chênh lệch giữa mức tăng của giá cổ phiếu và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cảnh báo sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2017 và đầu năm 2018 là nhanh và tiềm ẩn rủi ro.

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB nhận xét, giao dịch trên thị trường chứng khoán năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018 sôi động hơn nhiều so với năm 2016. Thậm chí, đầu năm 2018 có những phiên giao dịch lên tới 10 nghìn tỷ đồng, trung bình hai tháng đầu năm 2018 cũng gấp rưỡi, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Bên cạnh dòng vốn nước ngoài, dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán khá cao và chắc chắn một phần dòng vốn tín dụng đã đổ vào thị trường.

Dẫn kinh nghiệm từ một số thị trường, ông Tuấn cho biết, thị trường chứng khoán trong vòng 2 năm tăng khoảng 100% thì có thể gọi là tăng nóng. Năm 2017 đã tăng 48%, 1 tháng 2018 tăng khoảng trên 10%. Nếu thị trường chứng khoán đi lên nhưng không tương đồng với đi lên của lợi nhuận doanh nghiệp thì sẽ thiếu bền vững và khi tăng trưởng quá nóng chắc chắn sẽ đến một cú điều chỉnh.

Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) cũng từng phân tích những yếu tố để trả lời câu hỏi: “Liệu thị trường đã bước vào thời kỳ bong bóng?”. Theo Ban KTTW, mức tăng 48% của VN-Index cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 8 năm. Hai lần tăng mạnh của VN-Index là vào năm 2006 và 2009 với mức tăng lần lượt 144,5% và 56,8%. Đã có nhiều liên hệ của đợt tăng năm 2017 với năm 2006 và năm 2009, cùng lo ngại về sự hình thành bong bóng giống 2 năm đó.

Tuy nhiên, Ban KTTW cho rằng, đợt tăng điểm của VN-Index năm 2017 có nhiều yếu tố hỗ trợ mang tính bền vững hơn cho thời gian tới. Trong đó có hỗ trợ từ yếu tố dòng tiền trong nước. Năm 2017 có thể coi là một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ mà kết quả là tỷ giá và lãi suất rất ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Sự ổn định của tỷ giá và lãi suất giúp củng cố niềm tin của người dân và thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời cao hơn, trong đó có đầu tư chứng khoán. Tăng trưởng tín dụng năm 2017 được giữ ở mức hợp lý (dưới 20%), thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng của giai đoạn hình thành bong bóng năm 2006 và 2009 (lần lượt là 23% và 38%). Ngoài ra, giai đoạn 2006 và 2009 quy mô thị trường chứng khoán còn rất nhỏ, chỉ bằng 3% và 18% tổng dư nợ tín dụng nên tăng trưởng tín dụng cao dễ hình thành bong bóng.

Ngoài ra, theo Ban KTTW, năm 2017 cũng đánh dấu sự nở rộ các sản phẩm chứng chỉ quỹ đầu tư từ các công ty quản lý quỹ và các tổ chức trung gian đầu tư tài chính, giúp dẫn vốn hiệu quả hơn từ người dân, những người ít có điều kiện và kiến thức đầu tư tài chính tới thị trường chứng khoán.

Ở thời điểm này, để phát triển bền vững thị trường chứng khoán, Ban KTTW đánh giá cao tầm quan trọng của việc nâng hạng thị trường.

Nhiều chuyên gia thì khuyến nghị, cần thận trọng trong điều hành chính sách, theo dõi sát sự tăng trưởng của thị trường, giám sát đầy đủ quy mô cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Theo UBGSTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay ký quỹ chứng khoán để đảm bảo cho thị trường cổ phiếu tăng trưởng bền vững, hạn chế những tác động từ bên ngoài và rủi ro nội tại.

Chuyên đề