Giảm lãi suất vẫn là “bài toán” thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố biên bản cuộc họp gần nhất với nhận định chính sách tiền tệ phải được duy trì đủ “chặt” để đưa lạm phát về mức mục tiêu. Ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn cũng chưa có ý định giảm lãi suất điều hành. Thực tế này là thách thức lớn với nỗ lực giảm lãi suất của Việt Nam.
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Ảnh: Hoài Nam
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Theo biên bản công bố ngày 22/11, Fed khẳng định tiếp tục duy trì lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,2 - 5,5%, mức lãi suất đã được áp dụng từ tháng 7/2023. Các quan chức của Fed cho rằng, lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao và cần giữ chính sách tiền tệ đủ chặt để đưa lạm phát về mức mục tiêu.

Từ đầu năm đến nay, trên thế giới có 145 lượt tăng và 52 lượt giảm lãi suất; trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 lần, lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 1999; Fed tăng lãi suất 4 lần, lên 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua; Ngân hàng Trung ương Anh (BOA) tăng lãi suất 5 lần, lên 5,25%, cao nhất trong 15 năm qua…

Về biến động của thị trường quốc tế và tác động đối với Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, thế giới đang dần bước vào tháng cuối cùng của một năm đầy thách thức, biến động. Di chứng của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị ở châu Âu, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khiến cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có "độ mở" lớn, phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ, từ hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến quá trình thắt chặt tiền tệ liên tục và quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

“Có lẽ chưa bao giờ lãi suất ngắn hạn của đồng USD lại cao hơn lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá USD/VND. Trong bối cảnh ấy, vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, vừa phải bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu lạm phát là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho Chính phủ và NHNN”, ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Ở thời điểm ngày 20/10/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 4,2%/năm và 7,6%/năm. Ảnh: Huyền Trang

Ở thời điểm ngày 20/10/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 4,2%/năm và 7,6%/năm. Ảnh: Huyền Trang

Về điều hành lãi suất, NHNN cho biết, tiếp tục giữ mức lãi suất điều hành sau 4 lần giảm; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Ở thời điểm ngày 20/10/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 4,2%/năm và 7,6%/năm.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với áp lực của lãi suất trên thị trường thế giới ở mức cao, NHNN có thể phải giữ nguyên lãi suất điều hành trong thời gian tới song vẫn cần thúc đẩy các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm nay và năm sau.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Fed và các nước giữ lãi suất ở mức cao sẽ gây áp lực lớn cho nỗ lực giảm lãi suất của Việt Nam, nhưng áp lực này sẽ giảm dần khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu giảm lãi suất.

“Từ nay đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn với nguyên nhân chính tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng và dự báo lạm phát tăng trong thời gian tới. Có thể phải chấp nhận VND mất giá, song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn. Dù vậy, các ngân hàng thương mại vẫn có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay khi nguồn vốn huy động giá cao cuối năm ngoái và đầu năm nay đã được hấp thụ hết vào cuối quý I/2024”, ông Thành nói.

Động thái được chờ đợi là các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ giữa năm sau, nhờ đó, “bài toán” của Việt Nam bớt khó và NHNN có thể tính đến việc giảm lãi suất điều hành”.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 9/11/2023 vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Chuyên đề