Giảm lãi suất cho vay, nhiệm vụ đầy khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu giảm lãi suất là rất khó trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực tăng cao, ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Có ý kiến cho rằng, để kiểm soát đà tăng lãi suất, cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, gỡ điểm nghẽn của các kênh huy động vốn khác để giảm áp lực từ vốn tín dụng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khiến nhu cầu vốn tăng và xu hướng lạm phát, tăng lãi suất của các nước trên thế giới tạo thêm áp lực cho công tác điều hành lãi suất. Ảnh: Lê Tiên
Trong 5 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khiến nhu cầu vốn tăng và xu hướng lạm phát, tăng lãi suất của các nước trên thế giới tạo thêm áp lực cho công tác điều hành lãi suất. Ảnh: Lê Tiên

Trước xu hướng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, khả năng giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn do lạm phát chịu áp lực tăng cao, xu hướng các ngân hàng trung ương lớn đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng nhanh tần suất và mức lãi suất để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn tăng cao, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu biến động mạnh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và xu hướng đầu tư, theo đó tác động tới hoạt động ngân hàng. Ở góc độ khác, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiệm vụ: “Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. Những năm gần đây, nhiều giải pháp điều tiết tiền tệ của NHNN đã góp phần giúp mặt bằng lãi suất giảm dần.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, công tác điều hành chính sách tiền tệ chịu áp lực khá lớn. Đó là, xu hướng lạm phát cao trên toàn cầu và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất. Đến ngày 31/5/2022, có tổng cộng 134 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu, riêng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng tốc điều chỉnh lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5, sau khi tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3, hiện ở mức 0,75 - 1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập niên qua từ ngày 1/7, đồng thời phát tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng 7/2022 trong bối cảnh lạm phát tăng kéo dài.

Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung - cầu vốn. Trong 5 tháng qua, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng tín dụng đã vượt 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu định hướng 14% của năm 2022 và tạo áp lực lớn với mặt bằng lãi suất, song NHNN đã điều tiết, góp phần giúp lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái.

“Mục tiêu giảm lãi suất là rất khó. NHNN sẽ cân đối một cách hài hòa giữa các giải pháp, phối hợp đồng bộ và phù hợp với diễn biến kinh tế sao cho có lợi nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng không chủ quan đối với lạm phát”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, sức ép tăng lãi suất khá lớn không chỉ do lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các nước trên thế giới mà còn bởi nhu cầu vốn tăng trong khi các kênh huy động vốn khác đang gặp trục trặc.

“Lãi suất chịu lực đẩy tăng, song có thể kiểm soát được nếu đẩy mạnh được giải ngân đầu tư công, kích hoạt trở lại nguồn vốn trung và dài hạn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để đa dạng hóa kênh huy động vốn và cơ cấu kỳ hạn vốn phù hợp”, ông Linh nhấn mạnh.

Chuyên đề