Giải bài toán sản xuất xanh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái đòi hỏi nguồn lực lớn, cách thức vận hành quản lý phức tạp so với các KCN thông thường. Tuy nhiên, nếu không kịp thời phát triển các KCN sinh thái thì hàng Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh ở những thị trường lớn, đòi hỏi tiêu chuẩn sản xuất xanh. Do đó, việc đầu tư phát triển các KCN sinh thái là xu hướng tất yếu của thực tiễn, là bài toán cần sớm có lời giải.
Trong giai đoạn 2020 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO hỗ trợ các khu công nghiệp tại TP.HCM (Hiệp Phước), Hải Phòng (Đình Vũ), Đồng Nai (Amatar) chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Ảnh: Lê Tiên
Trong giai đoạn 2020 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO hỗ trợ các khu công nghiệp tại TP.HCM (Hiệp Phước), Hải Phòng (Đình Vũ), Đồng Nai (Amatar) chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Ảnh: Lê Tiên

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, Việt Nam có hơn 412 KCN, trong đó có 293 KCN đang hoạt động và 119 KCN đang được xây dựng. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu từ các KCN tăng trưởng hàng năm khoảng 19% và chiếm trên 55% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Theo xu thế phát triển, các KCN, khu kinh tế (KKT) đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, khả năng hợp tác để sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, sản xuất. Hơn nữa, để tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng và biến đổi khí hậu, các quốc gia phải xây dựng chiến lược và chính sách hướng tới phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững hơn.

Tại Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia vừa diễn ra, nhiều đại biểu cho biết, những KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, về phát triển KCN sinh thái, nếu không làm hoặc triển khai chậm, Việt Nam sẽ không thể theo kịp và không đáp ứng được yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát triển xanh đã ký kết. Đồng thời, sản phẩm Việt Nam sẽ không thể có mặt ở các thị trường lớn với yêu cầu khắt khe về tiêu chí sản xuất xanh và sạch.

Tuy nhiên, theo ông Heru Kustanto, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Indonesia), việc phát triển KCN sinh thái trên thực tế gặp không ít thách thức, nhất là đối với những KCN chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống. So với KCN sinh thái được thiết kế từ đầu thì các KCN chuyển đổi đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để thay đổi hạ tầng hoạt động, chuyển đổi toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo đảm được các tiêu chí xanh, phải nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư/doanh nghiệp đang hoạt động trên cùng hệ thống KCN để tạo ra chuỗi hoạt động kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, cơ chế giám sát, quản lý KCN sinh thái cũng đòi hỏi phải có tính bao quát để thúc đẩy và bảo đảm nhà đầu tư thực hiện các tiêu chí sản xuất, vận hành KCN theo hướng sinh thái như đã cam kết: tối ưu việc xử lý rác thải, sử dụng năng lượng sạch, các yếu tố “đầu ra” phải thực sự thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cách thức thuận tiện để nhà đầu tư KCN sinh thái chứng minh được hiệu quả trong hoạt động theo hướng sinh thái để được chứng nhận là KCN sinh thái và hưởng ưu đãi… cũng là những thách thức thực tế trong quá trình vận hành một số KCN sinh thái tại Indonesia.

Theo Bộ KH&ĐT, từ năm 2015 - 2019, Bộ đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đã có 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm. Trong giai đoạn 2020 - 2030, Bộ KH&ĐT và UNIDO tiếp tục hỗ trợ các KCN tại TP.HCM (Hiệp Phước), Hải Phòng (Đình Vũ), Đồng Nai (Amatar) chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Chuyên đề