Gắn thêm tính năng cho hàng hóa khi dự thầu: Hãng sản xuất can thiệp vào hồ sơ mời thầu?

(BĐT) - Có hay không sự can thiệp của chính hãng sản xuất thông qua việc xác định thông số kỹ thuật rất đặc trưng của hàng hóa trong các hồ sơ mời thầu (HSMT)? Đây có phải căn nguyên dẫn tới việc các nhà thầu đại diện cho các hãng khác trên thị trường phải bằng mọi cách để gắn thêm tính năng (option) cho hàng hóa khi dự thầu?
Hàng hóa trong nhiều gói thầu không đơn thuần là cuộc đua giữa các nhà thầu mà còn là sự giành giật thị phần của các hãng sản xuất. Ảnh: Nhã Chi
Hàng hóa trong nhiều gói thầu không đơn thuần là cuộc đua giữa các nhà thầu mà còn là sự giành giật thị phần của các hãng sản xuất. Ảnh: Nhã Chi

Hàng hóa “tương đương” nhưng không “tương quan”

Một số đơn vị khi lập HSMT đều kê danh mục hàng hóa với tên sản phẩm và thương hiệu cụ thể kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”. Theo các bên mời thầu (BMT), do không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ nên BMT nêu nhãn hiệu, catalogue của sản phẩm cụ thể để minh họa và ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”; đồng thời quy định rõ nội hàm tương đương về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng… Đây là việc làm đúng với các quy định về đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, đi vào chi tiết lại không hoàn toàn như vậy.

Đầu tiên, về nội hàm của đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, BMT lại áp nguyên xi thông số của hãng cụ thể. Điều này đã trực tiếp cản trở tính cạnh tranh của các hãng sản xuất không được BMT đưa vào HSMT. “Cụm từ hoặc tương đương nghe qua thì rất phù hợp và mở, nhưng đi vào chi tiết sẽ không thể nào có hãng thứ hai có dải thông số kỹ thuật giống i xì với thương hiệu được BMT chỉ đích danh”, một nhà thầu chuyên cung cấp máy photocopy tại TP.HCM cho biết.

Minh chứng cho câu chuyện này, nhà thầu cho biết, nếu máy photocopy trong HSMT đã nêu thương hiệu DUPLO DP-A120II (hoặc tương đương) thì rất khó khăn cho các sản phẩm của thương hiệu mạnh khác. Bởi, các thông số như: thời gian chế bản, độ phân giải scan, độ phân giải in, định lượng giấy khi sử dụng bộ nạp bản gốc, vùng quét, vùng lấy ảnh, khay chứa giấy… đều gần như là đặc điểm riêng biệt của hãng. Không thể có hãng nào đáp ứng được nếu như các dải thông số không được BMT mở rộng hơn, cho phép cao hơn hoặc thấp hơn trong phạm vi nhất định so với sản phẩm của thương hiệu này.

Thứ hai, dù BMT có sử dụng cụm từ “hoặc tương đương” rất nhiều lần trong HSMT khi yêu cầu về thông số kỹ thuật hàng hóa, nhưng lại “rất biết chọn” chi tiết đắt giá nhất của hàng hóa mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể. Do đó, dù có thể hàng hóa của các nhà thầu khác đáp ứng nhiều tiêu chí, nhưng lại bị “bắt bẻ” bởi những tiểu tiết này. Tương đương mà cạnh tranh lại không tương quan là ở chỗ này.

Tại Bình Định, câu chuyện nhà thầu chào thầu máy photocopy RISO SF 5030A và bị loại cũng đang dấy lên nhiều quan tâm. Nhà thầu cho biết, thông số cơ bản chung của sản phẩm được phát hành trên toàn cầu sẽ không đầy đủ các phụ kiện kèm theo. Nhà thầu chào hàng hóa với thông số kỹ thuật đã được nâng cấp bộ nạp giấy dày (card feed kit) cho cả hai model. Đây cũng là một biến thể của tình trạng nhà thầu cài thêm tính năng, nâng cấp thông số của hàng hóa khi dự thầu mà Báo Đấu thầu đã đề cập trong bài viết: “Gắn thêm tính năng cho hàng hóa khi dự thầu: Bất đồng quan điểm về việc “cài thêm”” (số báo ra ngày 20/11/2019). 

Bàn tay can thiệp của hãng rất lớn

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu khẳng định, những gói thầu hàng hóa không đơn thuần là cuộc đua giữa các nhà thầu. “Đó là cuộc chiến giành giật thị phần, chiếm lĩnh các chủ đầu tư của các hãng sản xuất. Lúc này, các nhà thầu là cánh tay nối dài cho hãng mà thôi. Do đó, sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt và hãng sẵn sàng can thiệp để HSMT có tính định hướng từ rất sớm” - một nhà thầu phản ánh.

Một đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết, thông thường, khi xây dựng HSMT, BMT tuân thủ theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật của đơn vị sử dụng. Trong khi đó, đơn vị mời thầu lại căn cứ vào chứng thư thẩm định giá để đưa ra các thông số kỹ thuật của hàng hóa. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn này không dám chắc là chứng thư thẩm định giá có thể bị can thiệp hoặc tác động nhằm tạo lợi thế cho một hãng sản xuất cụ thể nào không? “Không phải tự nhiên mà một hãng sản xuất cụ thể được xuất hiện trong HSMT làm “hàng mẫu”. Một khi đã lo được tên của mình xuất hiện đường đường chính chính trong HSMT, hãng và nhà thầu sẽ càng tự tin khi cơ hội cạnh tranh của các hãng khác là rất yếu”, đơn vị tư vấn này khẳng định.

Có nhiều gói thầu mua sắm giá trị lớn, số lượng hàng hóa phải cung cấp rất nhiều nhưng lại loại nhà thầu bởi những tiêu chí cực kỳ vặt vãnh, đi ngược lại hoàn toàn với tiêu chí cạnh tranh, hiệu quả của công tác đấu thầu. Ví dụ như, loại nhà thầu do máy tính để bàn không có chức năng báo động từ xa, chức năng báo động khi có... bụi, do hàng hóa của nhà thầu chào thiếu 0,01 inch màn hình, do khay giấy thừa 0,01 mm... Trong khi đó, đây chỉ là những tiểu tiết mang tính độc quyền của một hãng cụ thể.

Việc nhà thầu tự ý gắn thêm tính năng, nâng cấp thông số cho hàng hóa khi dự thầu cần được hiểu đúng và phản biện khoa học. Bởi khi HSMT chứa đựng tiêu chí kỹ thuật cản trở sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu, thì áp dụng cụm từ “hoặc tương đương” đã không được hiểu đúng bản chất trong đấu thầu.

Chuyên đề