ECB giữ nguyên lãi suất ở mức 4%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Financial Times, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về việc sẽ xem xét cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất mọi thời đại tại cuộc họp hôm 11/4.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

ECB cho biết, lãi suất cơ bản sẽ ở mức 4% cho đến khi ngân hàng trung ương này chắc chắn rằng áp lực giá đã ổn định.

Theo ECB, việc cắt giảm lãi suất "sẽ phù hợp nếu áp lực giá cơ bản, các dự báo cập nhật và tác động của việc tăng lãi suất trước đó làm tăng niềm tin rằng lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2% một cách bền vững".

Lạm phát tại khu vực đồng Euro đã giảm từ mức cao nhất 10,6% trong năm 2022 xuống còn 2,4% vào tháng 3/2024 - rất gần với mục tiêu của ECB.

"Những gì mà ECB đã nói ngày hôm nay rất gần với một lời cam kết trước về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Dữ liệu lạm phát và tiền lương sẽ phải rất nóng mới có thể khiến ECB không hạ lãi suất", Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank nhận định.

Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, "những chướng ngại vật trên đường" có thể khiến lạm phát "dao động" trong những tháng tới trước khi giảm xuống mức mục tiêu 2% vào giữa năm 2025. Bà Lagarde cho biết, "các chỉ báo gần đây cho thấy tăng trưởng tiền lương đang ở mức vừa phải", trong khi rủi ro tổng thể đối với tăng trưởng "vẫn nghiêng về phía suy giảm".

Khi được hỏi liệu quyết định giữ nguyên lãi suất hôm 11/4 có được đồng thuận hay không, bà Lagarde cho biết, "một vài thành viên cảm thấy đã đủ tự tin" để lập luận cho việc giảm lãi suất ngay, nhưng thiểu số này cuối cùng đã nhất trí với số đông muốn đợi cho tới ít nhất tháng 6.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 70 - 75% ECB sẽ giảm lãi suất vào tháng 6.

Kỳ vọng cắt giảm lãi suất toàn cầu đã bị lung lay bởi dữ liệu trong tuần này cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3.

Giới đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng về số lần giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong năm nay. Một số nhà hoạch định chính sách khu vực đồng Euro, như ở Anh, có thể muốn tránh cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn nhiều so với các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, một phần vì lo ngại đồng tiền của họ sẽ yếu đi và từ đó làm tăng thêm lạm phát.

Tuy nhiên, bà Lagarde đã bác bỏ quan điểm cho rằng, ECB chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất trừ khi FED cũng làm như vậy.

"Chúng tôi phụ thuộc vào dữ liệu chứ không phụ thuộc vào FED", bà Lagarde nói, đồng thời cho biết thêm rằng, lạm phát ở Mỹ và khu vực đồng Euro "không giống nhau".

Ann-Katrin Petersen - chiến lược gia tại BlackRock Investment Institute nhấn mạnh rằng, so với FED, ECB phải đối mặt với mức tăng trưởng yếu hơn và đã tăng lãi suất sâu hơn trong vùng thắt chặt. "Vì vậy, ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất trước, nhưng sau đó giảm chậm hơn nếu FED trì hoãn việc cắt giảm", bà Ann-Katrin Petersen nhận định.

Chuyên đề