Buổi họp Tổ của Đoàn TP.HCM bàn về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV Ảnh: Trần Tuyết |
Doanh nghiệp nào là nhỏ và vừa?
Dự thảo Luật quy định các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chủ yếu dựa vào lao động trong năm, vốn và tiêu chí này liên hệ trực tiếp đến những ưu đãi mà doanh nghiệp (DN) được hưởng. Đại biểu Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) cho rằng, mặc dù trong Dự thảo Luật nói là ưu đãi gián tiếp qua trung gian nhưng thực tế ưu đãi qua các điều khoản về thuế là ưu đãi trực tiếp chứ không phải giám tiếp.
Do đó, trong việc xác định tiêu chí DN là nhỏ và vừa (NVV) thì rất khó quy định chính xác theo thực tế, bởi nguồn vốn thì DN có thể tự đăng ký, hoàn toàn tin tưởng vào DN; khi đó DN có thể đăng ký vốn pháp định thấp hơn để được ưu đãi. Đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị, nên quản lý theo doanh thu và lợi nhuận để tránh pháp luật bị lợi dụng.
Đồng thuận với quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) khẳng định quan điểm, Dự thảo Luật áp dụng cho tất cả các DN thành lập theo Luật DN là quá rộng, vì nguồn lực Nhà nước có hạn, không hỗ trợ hết được tất cả, nếu vậy thì việc thực thi chính sách này sẽ rất khó. Do vậy, đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lựa chọn tập trung ưu tiên cho những DN công nghệ và có giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đồng thời, Dự án Luật nên hướng tới trợ cấp nhiều hơn là hỗ trợ DNNVV.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề thêm về việc “công nhận DN là NVV”. Theo đó, Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, hoặc là đương nhiên DN khi đáp ứng đủ các tiêu chí thì được thừa nhận là DNNVV hoặc là DN phải đăng ký là NVV ở một cơ quan được quy định rõ trong Luật. Việc quy định như vậy sẽ tránh được cơ chế xin cho, bởi việc DN là NVV sẽ nhận được những hỗ trợ rất lớn. Ngay cả khi DN đã không còn là DNNVV, hết được hỗ trợ cũng phải được quy định rõ.
Bỏ doanh nghiệp FDI khỏi phạm vi hỗ trợ
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, nên cân nhắc về việc đưa DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra khỏi đối tượng hỗ trợ của Dự thảo Luật này. Ông Lộc phân tích, doanh nghiệp FDI là thành phần quan trọng trong nền kinh tế nước ta và cũng rất cần được hỗ trợ, song nếu lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp FDI thì cần lưu ý 2 điều. Thứ nhất, nguồn lực của đất nước còn hạn chế không thể nào hỗ trợ cho tất cả các đối tượng. Thứ hai, doanh nghiệp FDI có khả năng cạnh tranh cao hơn, tại sao lại phải hỗ trợ?
Dựa trên quan điểm như vậy, đại biểu này cho rằng, không nên hỗ trợ DNVVV có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi thời gian qua, các doanh nghiệp FDI không gắn gì với hỗ trợ sản xuất trong nước, khu vực kinh tế nội địa, DNNVV… "Họ mang thượng vàng hạ cám vào Việt Nam, mang cả DNNVV thậm chí siêu nhỏ vào đề làm linh kiện thì làm gì DNNVV Việt Nam có cơ hội", ông Lộc mạnh mẽ bày tỏ.
Mặt khác, trong các cam kết quốc tế mà Việt nam tham gia, chúng ta không có cam kết nào về việc không phân biệt đối xử với DNNVV có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Mỗi nước lại có những biện pháp hỗ trợ DNNVV riêng và các cam kết quốc tế cũng không điều tiết.
Liên quan đến nội dung Điều 32 về tổ chức kiểm tra, giám sát, theo đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM), việc kiểm tra, giám sát ở đây được hiểu là hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc kiểm tra, giám sát lại chưa được hiểu theo quan điểm đó, mà chủ yếu là mang tính chất vạch lá tìm sâu, chưa thể hiện rõ vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu chia sẻ câu chuyện liên quan đến một DNNVV vào năm 2013 có tới 3 đoàn kiểm tra/năm (của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Bộ Công thương) đến làm việc với DNNVV. Bản thân DN này cũng phải chừa một phần ngân sách, chi phí cho những đoàn kiểm tra. Điều đặc biệt là những đoàn kiểm tra lại “thường” chọn những DN làm ăn có lãi mà lại không đến những DN còn khó khăn để tập trung hướng dẫn, giúp đỡ DN. Do đó, đại biểu này đề xuất, cần có những quy định rõ ràng về việc kiểm tra, giám sát tại các DNNVV theo hướng hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển.