Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM 800 tỷ đồng: 10 năm chưa hoàn thành, cần làm rõ trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc họp giám sát đầu tư công của Hội đồng nhân dân TP.HCM mới đây đã đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm về tiến độ, hướng tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM tại TP. Thủ Đức. Một thập kỷ sau ngày khởi công, Dự án vẫn dang dở. Tình trạng “vỡ trận” tại dự án này đã được Báo Đấu thầu phản ánh từ năm 2018.
Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM mới đạt 45% khối lượng. Ảnh: Nhã Chi
Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM mới đạt 45% khối lượng. Ảnh: Nhã Chi

Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (Chủ đầu tư), Dự án có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, ban đầu do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch Thành phố làm Bên mời thầu. Dự án được khởi công vào quý I/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Từ đó đến nay, Dự án liên tục phải lùi thời điểm hoàn thành, kéo dài đã tròn 10 năm.

Trong nhiều năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Dự án chỉ đạt 0% do tình trạng “vỡ trận” tại các gói thầu. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt thời điểm triển khai có tới 40 gói thầu. Dự án có hơn 40 nhà thầu trực tiếp tham gia thi công các hạng mục khác nhau. Tại thời điểm năm 2018, thông tin đến phóng viên, đại diện Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch Thành phố cho biết, công trình chậm hoàn thành do một số nhà thầu thi công chậm và triển khai thi công chậm (khung sàn, nhôm kính). Do Ban không có kinh nghiệm, nhân sự không đủ chuyên môn, việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu không khoa học, dẫn tới trong quá trình triển khai, nhiều nhà thầu “giẫm chân lên nhau”. Tình trạng nhà thầu này phải chờ nhà thầu kia bàn giao mặt bằng mới có thể triển khai thi công khiến phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn giữa các nhà thầu.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, công trình đã hoàn thành 80% phần thô từ cuối năm 2017. Hiện khối lượng thực hiện của Dự án mới đạt 45%, phần còn lại nằm ở các gói thầu đang “án binh bất động”.

Nhiều gói thầu thuộc Dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng từ lâu nhưng việc triển khai rất khó khăn. Có thể kể đến Gói thầu PTV31 Sưu tầm dữ liệu, soạn thảo và in ấn sách, biên tập và thiết kế maket, pano, sa bàn, website, thuyết minh - hướng dẫn kịch bản phim (Liên danh Viện Quy hoạch xây dựng - Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam - Công ty CP Thiết kế TTT Architects - Công ty TNHH Công nghệ Niềm tin trúng thầu với giá 39,801 tỷ đồng); Gói thầu HH12 Hệ thống điều hòa không khí và thông gió (Liên danh Công ty TNHH Hòa Lan - Công ty TNHH Hoàng Phúc trúng thầu với giá 26,535 tỷ đồng); Gói thầu HH9 Màn hình led và lam mặt tiền (Liên danh Công ty CP Cơ điện lạnh Nam Thịnh - Công ty TNHH Hunter Douglas Việt Nam trúng thầu với giá 38,863 tỷ đồng); Gói thầu HH10 Thang máy các loại (Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long trúng thầu với giá 18,629 tỷ đồng)…

Tình trạng này kéo dài kể cả khi đổi Chủ đầu tư từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (tháng 10/2022). Theo đó, năm 2023 Dự án được thu xếp nguồn vốn 250 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm 9/5/2023, con số giải ngân là 0 đồng.

Theo Chủ đầu tư, khối lượng công việc từ tháng 10/2022 đến nay chủ yếu là liên hệ, làm việc với các nhà thầu để ký phụ lục hợp đồng nhằm khởi động lại Dự án. Tuy nhiên, do cách quản lý thiếu chuyên nghiệp, không khoa học từ phía chủ đầu tư cũ, đồng thời, nhiều nhà thầu bất đồng hướng xử lý nên chưa chấp nhận ký gia hạn thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, phát sinh liên quan đến tạm ứng hợp đồng cũng khiến Chủ đầu tư đề xuất phương án cắt hợp đồng, thậm chí khởi kiện hành vi chiếm dụng vốn của nhà thầu.

“Dự án kéo dài nên còn phát sinh chi phí trượt giá, hư hỏng thiết bị, chi phí bảo vệ công trường, quản lý dự án và các chi phí khác để duy trì bộ máy hoạt động của nhà thầu với tổng chi phí dự kiến hơn 60 tỷ đồng”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Trung tâm Triển lãm quy hoạch là 1 trong 38 dự án trọng điểm được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đưa vào danh sách kiểm tra, đôn đốc bởi các tổ giám sát đầu tư công. Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, công trình mới được khởi động trở lại, lãnh đạo TP.HCM cần có chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn tất phần thô vào năm 2023 nhằm đưa các hạng mục thiết bị vào lắp đặt. “Cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng Dự án kéo dài. Đồng thời, xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý trong hợp đồng với các nhà thầu để hoàn thiện Dự án đưa vào sử dụng trong năm 2024”, bà Lệ nhấn mạnh.

Chuyên đề