Ảnh minh họa: Internet |
Công trình 800 tỷ phơi sương, đọng nước
Từ năm 2012, UBND TP.HCM đã có chủ trương đầu tư Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố. Địa điểm triển khai Dự án đặt tại Quận 2 để làm nơi công bố công khai các đồ án quy hoạch đô thị cho người dân biết.
Đến năm 2014, thiết kế kiến trúc của trung tâm này được hoàn thiện. Mất thêm 1 năm để TP.HCM tiến hành các thủ tục đền bù, giải tỏa. Cuối năm 2015, Dự án chính thức được khởi động. Và đến năm 2016, dự án có mức vốn đầu tư lên tới 800 tỷ đồng này mới được bố trí vốn. Những gói thầu đầu tiên của Dự án được khởi động từ đây.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, Trung tâm Triển lãm sẽ là nơi trưng bày, triển lãm quy hoạch, kiến trúc của TP.HCM; là điểm đến giao lưu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa đô thị của giới chuyên môn cũng như người dân và du khách. Đây cũng được xem là điểm nhấn của đô thị mới Thủ Thiêm.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, theo thiết kế, công trình gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích hơn 18.300 m2. Ngay sau lễ khánh thành, Trung tâm Thông tin quy hoạch sẽ tiếp nhận công trình này theo đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, dù đã triển khai được hơn 4 năm, nhưng tiến độ cũng như chất lượng công trình đang khiến nhiều người lo ngại. Theo đại diện Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố, phần vỏ của dự án này hiện đã đạt 80% khối lượng công việc. Theo tiến độ, đến ngày 30/4/2018, Dự án phải hoàn tất phần vỏ; phần ruột là các đồ án quy hoạch từng phân khu, từng địa phương do cơ quan khác lắp đặt. Thực tế, công trình gần như chưa định hình, nhiều hạng mục xuống cấp, ngập nước, rêu bám xanh, bề mặt sơn bong tróc…
Nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng
Ngày 1/11/2011, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5277/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố trực thuộc UBND TP.HCM, là chủ đầu tư, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng công trình này. Đây chính là điểm yếu khi triển khai Dự án. Bởi thay vì giao Dự án về đầu mối là Ban Quản lý phát triển đô thị TP.HCM đứng ra làm chủ đầu tư, thì việc Thành phố cho phép thành lập riêng một ban quản lý dự án chỉ để quản lý, triển khai đầu tư một dự án rồi sau đó giải tán đã khiến việc tổ chức triển khai Dự án không thể đáp ứng yêu cầu.
Dự án có đến hơn 40 nhà thầu trực tiếp tham gia thi công với các hạng mục khác nhau. Theo đại diện Ban Quản lý dự án, công trình chậm hoàn thành do một số nhà thầu thi công chậm và triển khai thi công chậm (khung sàn, nhôm kính). Nguy cơ “vỡ trận” đã thành hiện thực vì nhiều nhà thầu giẫm chân lên nhau, chồng chéo, đan xen. Tình trạng nhà thầu này phải chờ nhà thầu kia bàn giao mặt bằng mới có thể triển khai thi công khiến phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn giữa các nhà thầu. Cá biệt, có nhà thầu đã ký hợp đồng từ năm 2015, đã mua vật tư thiết bị để thi công nhưng hiện vẫn chưa có mặt bằng để triển khai.
Có 3 gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu từ năm 2016 nhưng đến tháng 5/2017 mới công bố thông tin. So với số gói thầu thực tế triển khai, lượng kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố chiếm tỷ lệ rất thấp. Và các gói thầu lớn, tổng thầu kết cấu thép, nhôm kính lại không có dữ liệu được công bố…
Một công trình lớn nhưng lại giao cho một ban quản lý dự án không chuyên nghiệp, thiếu nhạc trưởng dẫn tới công trình đến nay vẫn ngổn ngang, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà thầu, gây lãng phí lớn.