“Cuộc đua” sẽ cạnh tranh hơn khi có 4 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển thực hiện Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2. Ảnh: Tiên Giang |
Theo đó, 4 nhà đầu tư lớn đã lọt qua vòng sơ tuyển dự án hơn 1.751 tỷ đồng này. Kết quả này hiện có hóa giải mối quan ngại về việc nhà đầu tư “một mình một chợ”?
Sẽ phát hành HSMT trong tháng 6/2018
Theo Quyết định phê duyệt số 2197/QĐ-TCĐBVN, 4 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (Liên danh Viettel - ITD); Liên danh Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Liên danh CTIN - VNPT); Liên danh Công ty CP Giải pháp tòa nhà thông minh và Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Liên danh IBS - Vinaconex); Liên danh Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin - Công ty CP Thương mại Dịch vụ viễn thông Việt Vương - Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Công ty CP Công nghệ truyền thông DTS (Liên danh Vietinf - VietinBank Capital - VVT - DTS).
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu chiều 15/6/2018, cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua 1 tháng phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (từ ngày 9/4/2018 - 9/5/2018), đã có 12 nhà đầu tư mua hồ sơ và đến thời điểm đóng sơ tuyển, có 7 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Qua sơ tuyển, có 4 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Hiện tại, Bên mời thầu và các đơn vị liên quan đang nhanh chóng hoàn tất các thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) để chính thức phát hành trong tháng 6/2018 này.
Hóa giải mối quan ngại nhà đầu tư “một mình một chợ”?
Đề xuất Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được phê duyệt ngày 7/6/2016, với tên gọi ở bước phê duyệt đề xuất dự án là Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vốn theo hợp đồng BOO. Tổng mức đầu tư phê duyệt tại đề xuất dự án là 2.122 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf) là nhà đầu tư đề xuất dự án. Tuy nhiên, sau khi Dự án được thực hiện sơ tuyển rộng rãi, tổng mức đầu tư Dự án đã giảm xuống còn hơn 1.751 tỷ đồng.
Dự án sẽ thực hiện với 44 trạm thu phí BOT trên toàn quốc, trong đó có 11 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sẽ thực hiện trong năm 2018) và các trạm nằm trên các tuyến quốc lộ khác (sẽ thực hiện trong năm 2019). Vietinf là đơn vị thực hiện nghiên cứu khả thi, đề xuất và cũng là đơn vị chuẩn bị Dự án. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, Vietinf sẽ được hưởng những ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ có những lợi thế nhất định trong quá trình đánh giá về tài chính, thương mại khi lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Do đó, trước khi diễn ra quá trình đóng sơ tuyển Dự án, cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn và nghi ngại dự án hơn 1.751 tỷ đồng này sẽ lặp lại kịch bản nhà đầu tư “một mình một chợ”, giống như giai đoạn 1 của dự án này chỉ có Công ty CP Tasco tham gia và sau đó được chỉ định thầu.
Như vậy, với kết quả sơ tuyển có tới 4 liên danh nhà đầu tư được đánh giá đáp ứng yêu cầu và đều là những nhà đầu tư mạnh, có tiềm lực kinh tế, tài chính lớn, chắc chắn “cuộc đua” giai đoạn 2 của Dự án sẽ cạnh tranh hơn, khác xa con đường mà Tasco trở thành nhà đầu tư Dự án giai đoạn 1.