Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.751,88 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tổ chức sơ tuyển sau gần 2 năm phê duyệt đề xuất dự án
Để minh bạch hóa nguồn thu từ các trạm thu giá BOT, Chính phủ đã và đang quyết liệt đẩy nhanh triển khai thu phí tự động không dừng. Tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra mốc chậm nhất ngày 31/12/2018, toàn bộ các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải vận hành hệ thống thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng; các trạm còn lại trên toàn quốc phải vận hành hệ thống trước ngày 31/12/2019.
Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hợp đồng BOO đã được chỉ định thầu cho Liên danh TASCO - VETC thực hiện. Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.524 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên 28 trạm BOT.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hợp đồng BOO sẽ bắt đầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ ngày 9/4/2018 đến ngày 9/5/2018. Theo thông báo mời sơ tuyển, thời gian thực hiện Dự án là 2018 - 2019, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.751,88 tỷ đồng.
Như vậy, sau gần 2 năm kể từ khi đề xuất dự án được phê duyệt, Dự án giai đoạn 2 đã chính thức được tổ chức sơ tuyển rộng rãi.
Vietinf giảm vốn mạnh trước khi Dự án đấu thầu
Đề xuất Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được phê duyệt ngày 7/6/2016, với tên gọi ở bước phê duyệt đề xuất dự án là Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do VietinBank tài trợ vốn theo hợp đồng BOO. Tổng mức đầu tư phê duyệt tại đề xuất dự án là 2.122 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin (Vietinf) là nhà đầu tư đề xuất dự án.
Vietinf được thành lập từ tháng 4/2016, chỉ ít tháng trước khi đề xuất dự án của công ty này được phê duyệt. Thời điểm này, Vietinf có 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng cầu đường Sài Gòn. Vốn điều lệ của Vietinf là 330 tỷ đồng.
Khi đó, dư luận đã đặt nghi vấn về tính cạnh tranh thực sự của dự án này dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi, bởi vì các cổ đông sáng lập của Vietinf có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhà đầu tư BOT nhiều trạm thuộc Dự án giai đoạn 2.
Trong số các trạm thuộc Dự án do Vietinf đề xuất khi đó có nhiều trạm do VietinBank là tổ chức tín dụng tài trợ vốn, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư BOT. Vì vậy, Vietinf chắc chắn có lợi thế hơn hẳn những doanh nghiệp khác trong việc đàm phán với các nhà đầu tư BOT và tổ chức tín dụng của các trạm sẽ lắp đặt hệ thống thu giá tự động không dừng.
Hơn nữa, Bộ GTVT phê duyệt Dự án giai đoạn 1 cũng để lại nhiều trạm BOT do VietinBank tài trợ vốn trên Quốc lộ 1 để đưa vào phạm vi của Dự án giai đoạn 2, điều này cũng đặt ra dấu hỏi liệu có sự phân chia ngầm trước khi lựa chọn nhà đầu tư?
Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện cũ. Đến nay, khi Dự án chuẩn bị tổ chức sơ tuyển, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã rút vốn khỏi Vietinf. Vốn điều lệ của Vietinf hiện chỉ còn 56,6 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với vốn điều lệ khi mới thành lập.
Vì sao Vietinf có sự điều chỉnh giảm vốn điều lệ và thay đổi cơ cấu cổ đông trước thềm đấu thầu một siêu dự án có liên quan mật thiết như vậy? Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.