Nhiều dự án năng lượng xanh lớn được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký triển khai tại Việt Nam |
Vốn ngoại “đổ” vào nhiều dự án lớn
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2015 xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn NLTT, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng với đó, định hướng thu hút ĐTNN cũng chuyển hướng, chú trọng dự án quy mô lớn, đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh…
Với chiến lược rõ ràng, dòng vốn ngoại đã đổ vào nhiều dự án năng lượng xanh lớn tại Việt Nam trong những năm qua. Có thể kể đến Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn do Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP - Đan Mạch) đầu tư với tổng công suất lên đến 3.500 MW, vốn đầu tư 10 tỷ USD; Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư; Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải, phân phối điện, sản xuất điện tại Long An...
Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực tế ngay tại các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ bên lề COP26, nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đánh giá rất cao cam kết của Thủ tướng và đã có những ký kết, cam kết mở ra cơ hội tiếp cận với tri thức, công nghệ, tài chính xanh. Tiếp đến, trong chuyến làm việc của Thủ tướng tại Hoa Kỳ tháng 5/2022, lãnh đạo nhiều tập đoàn quốc tế khẳng định quan tâm tới các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, mong muốn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều - những nguồn năng lượng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Các nhà ĐTNN đã tham gia nhiều dự án năng lượng xanh, tuy nhiên, việc triển khai dự án có sự tham gia của nhà ĐTNN hiện vẫn còn một số vướng mắc.
Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đơn cử, với các dự án LNG được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030, theo Bộ Công Thương, có 11 dự án với tổng công suất 17.900 MW đã được phê duyệt và bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gồm: Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 (1.500 MW), Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200 MW), Bạc Liêu (3.200 MW), Sơn Mỹ 1 (2.250 MW), Sơn Mỹ 2 (2.250 MW), Long An 1 (1.500 MW), Cà Ná (1.500 MW), Quảng Ninh 1 (1.500 MW), Long Sơn (1.500 MW), Hải Lăng (1.500 MW). Trong đó, đối với các dự án điện độc lập (IPP) có sự tham gia của nhà ĐTNN (Điện khí LNG Bạc Liêu của DOE; Long An 1, 2 của Liên danh Vinacapital - GS Energy; Điện khí LNG Hải Lăng của Liên danh T&T - Tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc), rủi ro thường gặp là các tổ chức cho vay vốn thường đưa ra những yêu cầu bảo lãnh ngặt nghèo của Chính phủ, nhiều khi vượt quá khuôn khổ pháp lý hiện hành.
Ví dụ như có dự án, nhà đầu tư yêu cầu trong hợp đồng mua bán điện (PPA) phải cam kết về bao tiêu sản lượng điện, nếu bên mua (EVN) không mua hoặc không tiếp nhận điện của nhà máy thì phải chấp nhận cam kết nghĩa vụ bao tiêu sản xuất điện hoặc trả một khoản tiền cho sản lượng điện nhất định theo thỏa thuận giữa hai bên.
Về đấu nối và truyền tải, theo đề xuất của nhà đầu tư, hợp đồng PPA cần phải quy định Chính phủ (hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định) đứng ra chịu trách nhiệm về các rủi ro liên quan đến tiến độ dự án đấu nối và truyền tải, các sự cố lưới điện và truyền tải trong thời gian hoạt động của dự án ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành của nhà máy và doanh thu của dự án.
Về bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của bên mua điện, nhà đầu tư yêu cầu hợp đồng PPA có quy định về đảm bảo của Chính phủ (Bộ Tài chính hoặc một cơ quan do Chính phủ chỉ định) về việc sẽ thay thế EVN thanh toán tiền điện cho bên bán điện trong trường hợp EVN không còn chức năng là một bên mua bán điện theo hợp đồng PPA hoặc EVN rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán tạm thời ở một thời điểm nhất định. Trong trường hợp PPA phải chấm dứt do EVN không có khả năng thanh toán, nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ (Bộ Tài chính hoặc một cơ quan do Chính phủ chỉ định) bồi thường thiệt hại trực tiếp và các thiệt hại phát sinh thực tế do vi phạm hợp đồng.
Về cam kết chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, nhà đầu tư yêu cầu được đảm bảo của Chính phủ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho phép được tiếp cận với nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia để thanh toán các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết định kỳ hàng tháng và để nhập khẩu nhiên liệu cho nhà máy; được chuyển đổi ngoại tệ theo tỷ giá công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, đảm bảo doanh thu tính theo USD đủ trang trải các nghĩa vụ trả nợ.
Ngoài ra còn có các yêu cầu khác từ phía nhà đầu tư như đề nghị áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng PPA là luật Anh và ngôn ngữ là song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt; giải quyết tranh chấp hợp đồng PPA bằng trọng tài quốc tế theo thông lệ các hợp đồng quốc tế.
Các đề nghị của nhà ĐTNN không phải là mới, nhưng chưa được giải quyết nên chưa biết khi nào có thể kết thúc đàm phán hợp đồng PPA.
Đối với các dự án nhiệt điện khí, Bộ Công Thương cho biết, cụm mỏ khí Báo Vàng của Gazprom còn khó khăn trong việc xác định trữ lượng của mỏ khí, nên mỏ khí này cũng như nhà máy điện sử dụng khí mỏ Báo Vàng (340 MW) khó có thể vận hành trước năm 2030. Dự án Tua bin khí hỗn hợp Ô Môn 2 (1.050 MW) của Marubeni gặp khó khăn trong đàm phán cung cấp khí Lô B và thực hiện đồng bộ chuỗi dự án...