Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành: Năm nhà thầu khiếu nại, khó càng thêm khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có 11 gói thầu xây lắp thì 5 gói thầu có khiếu nại về các chi phí phát sinh do phải dừng chờ, chấm dứt hợp đồng giữa chừng với tổng số tiền 1.656 tỷ đồng. Trong đó, 2 nhà thầu đã khởi kiện Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra Trung tâm Trọng tài quốc tế đòi bồi thường thiệt hại.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công từ giữa năm 2019. Ảnh: Song Lê
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công từ giữa năm 2019. Ảnh: Song Lê

VEC cho biết, dự án trên được khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến không được bố trí vốn nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019. Do thời gian dừng thi công kéo dài nên nhiều nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công… khỏi công trường, sau đó đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Cụ thể, 3 gói thầu sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chấm dứt hợp đồng gồm: Gói A1 do Liên danh Halla Corporation (Hàn Quốc) - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex thực hiện; Gói A4 do Liên danh Kukdong Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) - Công ty TNHH Dịch vụ thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông thực hiện; Gói A6 do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T - Hanshin Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) thực hiện. Tại Gói J3 (sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA), Liên danh Sumitomo Mitsui Construction (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cũng đã chấm dứt hợp đồng.

Theo tìm hiểu, tại Gói A1, khối lượng thực hiện đạt 81,24%, giá trị khối lượng còn lại 240,329 tỷ đồng đang chờ tổ chức đấu thầu lại để chọn nhà thầu thực hiện. Tại Gói A4, khối lượng thực hiện đạt 78,1%, giá trị khối lượng còn lại 189,7 tỷ đồng. Tại Gói A6, khối lượng thực hiện đạt 33,93%, giá trị khối lượng còn lại là 513,66 tỷ đồng. Tại Gói J3, khối lượng thực hiện đạt 80,7%; giá trị khối lượng chưa thực hiện là 511,667 tỷ đồng. Hiện nay, phần công việc còn lại của Gói A6 đã được VEC chia làm 5 gói thầu để mời thầu lại. Kết quả lựa chọn nhà thầu đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định của ADB.

Theo kế hoạch, VEC dự kiến trong quý I/2023 lựa chọn nhà thầu mới thực hiện phần công việc còn lại của các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng, nhưng đến nay các gói A1, A4 và J3 chưa thấy thông báo mời thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của VEC cho biết, VEC đang nghiên cứu và xin ý kiến các cơ quan chức năng về việc đấu thầu thực hiện phần còn lại của các gói A1, A4, J3 và phải được sự đồng ý thì mới có phương án thu xếp nguồn vốn để triển khai. Các nhà thầu thực hiện 3 gói A1, A6, J3 đã có khiếu nại về chi phí phát sinh do dừng chờ và chấm dứt hợp đồng. Tại Gói A1 và Gói J3, các nhà thầu đã khởi kiện VEC ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC) đòi bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng và các chi phí phát sinh liên quan đến việc dừng, chờ thi công hơn 3 năm. VEC buộc phải thực hiện quyền khiếu nại của các nhà thầu khi xác định được thiệt hại do chấm dứt hợp đồng.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc tái khởi động 4 gói thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ chậm và khó khăn do một số gói thầu đã dừng thi công trong thời gian dài, việc huy động lại nhà thầu để khớp nối các hạng mục không dễ dàng. Hơn nữa, nguồn vốn VEC tự huy động để đầu tư Dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, dẫn đến một số vướng mắc về thủ tục pháp lý để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và một số công tác điều chỉnh khác trong Dự án.

Bên cạnh đó, nhà thầu thi công Gói J1 (Liên danh Shimizu Corporation (Nhật Bản) - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex) và Gói A3 (Liên danh Halla Corporation (Hàn Quốc) - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex) cũng đang khiếu nại VEC về các chi phí phát sinh do phải dừng chờ thi công.

Tổng số chi phí phát sinh mà 5 nhà thầu khiếu nại tạm tính khoảng 1.656 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của tư vấn giám sát, các chi phí này khoảng 840 tỷ đồng. Đây là các chi phí phát sinh chưa lường trước được trong quá trình thực hiện Dự án do một số nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự thay đổi chính sách, thủ tục pháp lý để tiếp tục bố trí vốn cho Dự án. Các chi phí này đang được VEC, các nhà thầu, tư vấn giám sát đánh giá, rà soát trên cơ sở thực tế, quy định của hợp đồng (FIDIC) và/hoặc thực hiện theo phán quyết của cấp có thẩm quyền (trọng tài/tòa án…) đối với trường hợp khiếu nại. Các chi phí trên sẽ được VEC cập nhật vào tổng mức đầu tư Dự án để trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Một chuyên gia về đầu tư cho biết, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ không dễ dàng bởi chắc chắn sẽ vướng vào các quy định pháp luật hiện hành. Hiện nay, hiệp định vay vốn cho Dự án sắp hết hạn và khó gia hạn thêm. VEC đề xuất được sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay (về nguyên tắc đây vẫn là ngân sách nhà nước) để thi công khối lượng còn lại của Dự án và đền bù thiệt hại cho các nhà thầu chấm dứt hợp đồng. Đây là điều chưa có tiền lệ nên các cơ quan chức năng sẽ không dễ đưa ra quyết định.

Chuyên đề