Chuyên gia khuyến nghị người sử dụng dự án BOT cũng phải được “đặt vào dự án” không chỉ ở khía cạnh quyền lợi, mà còn cả ở khâu kiểm tra, giám sát. Ảnh: Lê Tiên |
Để dự án BOT hài hòa lợi ích, không chỉ nhà đầu tư BOT phải thay đổi, cơ quan nhà nước đại diện cho người dân ký hợp đồng cũng nên nói đúng tiếng nói của người mà mình đại diện.
Trả tiền thuê khách sạn 5 sao nhưng phải ở nhà trọ
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội đặt ra hàng loạt câu hỏi, Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cả 2 giai đoạn có tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng, giai đoạn 1 gần 2.000 tỷ đồng, không hiểu lý do gì mà Bộ GTVT chưa hoàn chỉnh việc quyết toán giai đoạn 1, nhà đầu tư đã được thu phí ngay trên tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn? Số tiền chênh lệch sau khi quyết toán sẽ được tính như thế nào?
Câu trả lời chưa rõ, nhưng điều mà ông Bùi Danh Liên chắc chắn là trước mắt các doanh nghiệp vận tải và người dân phải chịu, chẳng khác nào người dân trả tiền thuê khách sạn 5 sao nhưng phải ở trong nhà trọ.
Ngoài ra, người sử dụng đang phải trả phí cao cho những dịch vụ không tương xứng. Ông Bùi Danh Liên dẫn ra trường hợp nhiều dự án làm sai những quy chuẩn đường cao tốc là đường có tốc độ cao từ 100 km - 120 km/giờ, đường độc đạo, có đường gom để tách các phương tiện xe máy, ô tô do tốc độ hạn chế. Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là một điển hình làm trái quy chuẩn, do không có đường gom nên Tổng cục Đường bộ phải hạn chế tốc độ để các phương tiện được đi chung như đường quốc lộ.
Không chỉ bị trả phí bất hợp lý, người dân còn đang bị “cưỡng bức” sử dụng dịch vụ. Theo thanh tra Bộ KH&ĐT, từ kết quả thanh tra 11 dự án BOT trên QL 1A cho thấy nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để đảm bảo nhu cầu đi lại. Những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng từ tiền thuế, được duy tu bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân thông qua Quỹ Bảo trì đường bộ. Nhà đầu tư vào lập dự án BOT, một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt, và thu phí, lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.
Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra có trường hợp “lẩu thập cẩm công trình thu phí” như việc nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho 4 dự án Tuyến tránh TP. Vinh, Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP. Hà Tĩnh, Nút giao QL 46 và Dự án Cầu Yên Xuân. Những người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 có thể không ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó bên tỉnh Nghệ An.
Cơ quan nhà nước cần thực hiện đúng vai trò
TS. Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, hợp đồng BOT được ký kết giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền - đại diện cho quyền lợi của đa số người dân với một bên là nhà đầu tư. Các cơ quan nhà nước phải đứng về phía quyền lợi của người dân để đánh giá, lựa chọn các công trình đầu tư theo hình thức này. Khi xuất hiện mâu thuẫn giữa người dân với các nhà đầu tư, điều đương nhiên các cơ quan nhà nước phải bảo vệ lợi ích của nhân dân, bởi Nhà nước đại diện cho nhân dân để ký hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cơ quan nhà nước lại biểu lộ quan điểm nghiêng về phía các nhà đầu tư và giải thích hộ cho các nhà đầu tư. Thậm chí, có cơ quan nhà nước còn phản đối Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án BOT với lập luận rằng dự án BOT là của nhà đầu tư.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đóng vai trò là nhà điều tiết, kiểm tra, làm “trọng tài” trong việc thực hiện các điều khoản hợp đồng BOT đã được ký kết giữa hai bên bởi vì bên thứ ba là người dân đã uỷ quyền cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát đảm bảo quyền lợi cho họ, chứ Nhà nước không được đứng về phía nhà đầu tư để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nếu quy trình quản lý dự án BOT là một quy trình khép kín, mang tính chất “đóng cửa nội bộ” giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án, thì cơ quan nhà nước chưa làm tròn vai và chưa tương xứng với niềm tin, trách nhiệm được người dân ủy quyền.