Dòng tiền kinh doanh âm, nợ vay gây sức ép với Vinaconex

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với kết quả lỗ 65,8 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo ra dòng tiền thuần dương, nợ vay tăng thêm 5.514 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021 có thể là những cảnh báo về rủi ro dòng tiền của Vinaconex trong thời gian tới.
Để lượng tiền lớn nằm ở phía đối tác, Vinaconex phải bù đắp bằng nguồn tiền đi vay. Ảnh: Lê Tiên
Để lượng tiền lớn nằm ở phía đối tác, Vinaconex phải bù đắp bằng nguồn tiền đi vay. Ảnh: Lê Tiên

Quý II/2021, doanh thu của Vinaconex đạt 1.408 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động chính là xây lắp mang về 1.207 tỷ đồng, giảm 20%. Năm 2020, doanh thu từ mảng xây lắp của Vinaconex cũng sụt giảm 38%.

Dù doanh thu giảm không đáng kể nhưng lợi nhuận sau thuế quý II/2021 lại âm tới 65,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 350 tỷ đồng. Nguyên nhân là doanh thu hoạt động tài chính của Công ty ghi nhận âm gần 297 tỷ đồng xuất phát từ việc hạch toán giảm trừ phần lợi nhuận tương ứng 35% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc (Nedi 2).

Vinaconex cho biết, trong quý I năm nay, Công ty đã chuyển nhượng 35% cổ phần Nedi 2 và ghi nhận khoản lợi nhuận 436 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến quý II, Công ty nhận chuyển nhượng lại 13% cổ phần Nedi 2 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Do vậy, Công ty phải giảm trừ vào lợi nhuận quý II theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận doanh thu 2.360 tỷ đồng và lãi ròng 279,5 tỷ đồng, giảm 32% so với nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Vinaconex có “tiền tươi, thóc thật” từ hoạt động kinh doanh.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của Tổng công ty ghi nhận âm tới 2.676 tỷ đồng. Tình trạng này cũng diễn ra trong 3 năm trước đó (2018 - 2020) với các con số lần lượt âm 50 tỷ đồng, âm 1.493 tỷ đồng và âm 25,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do các khoản phải thu liên tục tăng. Tính đến cuối quý II/2021, tổng giá trị các khoản phải thu của Vinaconex ở mức 16.209 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 7.468 tỷ lên 13.827 tỷ đồng. Còn khoản phải thu dài hạn tăng từ 209 tỷ lên 2.382 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vinaconex ghi nhận 1.902 tỷ đồng nợ xấu và đánh giá giá trị thu hồi khoảng 586,5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý II/2021 chưa kiểm toán của Vinaconex không thuyết minh chi tiết một số khoản phải thu lớn, ngoại trừ một số công ty liên kết của Vinaconex như: Khoản phải thu ngắn hạn khác đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (ITC) 2.309 tỷ đồng; phải thu Công ty CP Xi măng Cẩm Phả 547 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn là các công ty liên kết 550,6 tỷ đồng.

Để lượng tiền lớn nằm ở phía đối tác, Vinaconex phải bù đắp bằng nguồn tiền đi vay. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Tổng công ty tăng từ 2.140 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 2.931 tỷ đồng vào cuối quý II/2021. Nợ vay dài hạn tăng từ 2.146 tỷ lên 6.875 tỷ đồng. Hay nói cách khác, Vinaconex đang phải đi vay ngân hàng để tài trợ cho các khoản rủi ro cao như phải thu khác và trả trước cho người bán.

Tính đến cuối quý II/2021, tổng tài sản của Vinaconex ở mức 30.185 tỷ đồng, tăng thêm 10.576 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi vốn chủ sở hữu thay đổi không đáng kể thì tổng nợ phải trả tăng thêm 10.508 tỷ đồng lên mức 22.954 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản và gấp 3,17 lần vốn chủ sở hữu.

Dòng tiền kinh doanh âm khiến Vinaconex phụ thuộc lớn vào vốn vay. Điều này khiến cho nợ vay của Vinaconex tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Áp lực nợ vay trở thành một trong những rủi ro của Vinaconex trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2021 trở lại đây, Vinaconex trong vai trò thành viên liên danh đã trúng một số gói thầu xây lắp lớn như: Gói thầu XL3 Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km364+410,75 - Km380+000 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (giá trúng thầu 1.144 tỷ đồng); Gói thầu 01/VT2-XL Thi công xây dựng cầu chính vượt dòng chủ, bao gồm cả đường công vụ, cầu phao, mố nhô phục vụ thi công, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 (giá trúng thầu 1.153 tỷ đồng)…

Chuyên đề