Dồn nguồn lực phát triển vắc xin trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác cung ứng vắc xin tại Việt Nam. Để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, một trong những giải pháp cấp thiết là tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vắc xin trong nước. Đề xuất này được Bộ Y tế đưa ra trong Dự thảo Đề án Đảm bảo nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Đề án Đảm bảo nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng đặt mục tiêu đến năm 2030 chủ động sản xuất kịp thời, đủ số lượng các loại vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Đề án Đảm bảo nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng đặt mục tiêu đến năm 2030 chủ động sản xuất kịp thời, đủ số lượng các loại vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: Lê Tiên

Khoảng trống lớn về hạ tầng, năng lực sản xuất vắc xin

Hiện cả nước có 5 cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Nhà nước, gồm: Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Theo Bộ Y tế, các cơ sở này chưa được đầu tư hiện đại, chưa đơn vị nào có quy mô mang tầm khu vực hoặc quốc tế… Đa số mới chỉ đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP), chưa có đơn vị nào đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP hoặc tương đương.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh càng làm lộ rõ các điểm yếu về hệ thống hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển vắc xin tại Việt Nam như: thiếu các trung tâm thử nghiệm phi lâm sàng, lâm sàng đạt tiêu chuẩn…; yếu về hạ tầng logistics trong việc vận chuyển, bảo quản vắc xin ở điều kiện đặc biệt, nhiệt độ âm sâu...

Đối với vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đến nay, Việt Nam đã tự sản xuất được vắc xin để phòng 9 trong 10 loại bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tự sản xuất được vắc xin phòng bệnh phối hợp 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), mà vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Đối với vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ, còn khoảng trống lớn trong việc tiếp cận các loại vắc xin mới do giá tương đối cao so với thu nhập trung bình của nhiều người dân. Một số loại vắc xin còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ tại một số thời điểm, điển hình như: vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván; vắc xin phòng dại...

Tăng tính tự chủ trong nước

Việc bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm duy trì các kết quả đạt được trong tiêm chủng, tiến tới khống chế, loại trừ một số bệnh đã có vắc xin phòng ngừa và hướng tới mở rộng các bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.

Để tăng cường tự chủ vắc xin trong nước phục vụ tiêm chủng mở rộng, Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 phải sản xuất và cung ứng đủ vắc xin phòng 11 bệnh (gồm 10 bệnh đang triển khai trong chương trình và bổ sung vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota). Đến năm 2030, trong nước phải sản xuất và cung ứng đủ vắc xin phòng 12 bệnh (gồm 10 bệnh đang triển khai trong chương trình, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota và bệnh ung thư cổ tử cung do HPV). Đến năm 2030 phải đáp ứng 100% nhu cầu về số lượng vắc xin cần sử dụng cho tiêm chủng dịch vụ đối với những loại vắc xin mà trong nước đã sản xuất được; chủ động sản xuất kịp thời, đủ số lượng các loại vắc xin có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong phòng, chống dịch.

Dự kiến kinh phí để thực hiện các mục tiêu trên là hơn 8.400 tỷ đồng (từ nay đến năm 2025 là 3.065 tỷ đồng, từ 2026 - 2030 là 5.335 tỷ đồng).

Để khắc phục những hạn chế về hạ tầng, năng lực sản xuất vắc xin, tại Dự thảo Đề án, Bộ Y tế đề xuất nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể, cần tăng cường chính sách ưu tiên đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc xin và tăng cường năng lực sản xuất vắc xin (làm chủ công nghệ sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao) cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc. Rà soát để bổ sung, sửa đổi các chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa đối với doanh nghiệp sản xuất vắc xin. Xây dựng chính sách dự trù, cung ứng, dự trữ vắc xin, điều chỉnh tăng giá vắc xin theo lộ trình... Đồng thời, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vắc xin, đặc biệt là vắc xin thế hệ mới, vắc xin phối hợp; hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước...

Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần rà soát để đề xuất điều chỉnh chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, nhất là cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vắc xin. Mặt khác, Ban soạn thảo Đề án cần rà soát về mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung thực hiện của Đề án để bảo đảm không trùng lặp với các đề án đang triển khai thực hiện như: Đề án Tổ chức lại mô hình hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin theo hướng thành lập Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế quốc gia với đầy đủ các nguồn lực cần thiết trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sản xuất vắc xin hiện nay; Đề án Nghiên cứu, sản xuất vắc xin thế hệ mới, tích hợp nhiều loại trong một; Đề án Nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19; Đề án Nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề