Dồn lực hỗ trợ, tái thiết hạ tầng sau bão Yagi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước sức tàn phá của bão Yagi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão. Bên cạnh các giải pháp trực tiếp được đề cập tại Công điện số 92, để ổn định đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, giải pháp cần tính đến là thu xếp nguồn lực công cho công tác tái thiết, khôi phục nhanh nhất các công trình hạ tầng bị hư hỏng sau bão lũ.
Nhiều địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ sẽ cần nguồn lực lớn để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ sẽ cần nguồn lực lớn để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Cấp thiết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tại Công điện số 92, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ đặt mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết. Theo đó, phải kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12/9/2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ.

Hiện chưa có thống kê chính xác về mức độ thiệt hại của từng vùng, từng địa phương do bão Yagi tàn phá, nhưng con số tổng có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Làm thế nào để giúp người dân, doanh nghiệp tại các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu Hà Giang, Phú Thọ… trở lại nhịp sống thường nhật đang là một câu hỏi lớn, cần sự hợp sức của nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là thực thi chính sách tài khóa đúng trọng tâm.

Có ý kiến đề xuất điều chuyển vốn đọng tại những công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp và không có khả năng cải thiện cho việc tái thiết các công trình, dự án hạ tầng bị thiệt hại do bão lũ. Ảnh: Hải Nam

Có ý kiến đề xuất điều chuyển vốn đọng tại những công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp và không có khả năng cải thiện cho việc tái thiết các công trình, dự án hạ tầng bị thiệt hại do bão lũ. Ảnh: Hải Nam

Thu xếp nguồn lực công, tái thiết các công trình, hạ tầng sau bão

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, nhờ đà hồi phục kinh tế tích cực, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng đáng kể trong 8 tháng đầu năm, đưa bội thu NSNN lên mức 246,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ước tính ước tính đến hết tháng 8 khoảng 89,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm khoảng 60,9 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 28,9 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong vòng 3 tháng, dự kiến tác động làm giảm số thu NSNN khoảng 2.600 tỷ đồng. Cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật là dự kiến giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ từ 20% xuống 15% - 17%.

Về đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 42,35%). Với thực tế này, số vốn trong kế hoạch năm 2024 nhưng chưa được giải ngân còn rất lớn (khoảng 400.000 tỷ đồng). Theo thống kê, đến hết tháng 8/2024, hàng loạt địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân ở mức thấp (dưới 40%) so với mặt bằng chung cả nước, trong đó có các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi như Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội… Một số ý kiến cho rằng, nếu vốn đọng tại những công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp và không có khả năng cải thiện trong năm 2024 được xem xét, điều chuyển khẩn cấp cho việc tái thiết các công trình, dự án hạ tầng bị thiệt hại do bão lũ, sẽ góp phần quan trọng ổn định đời sống dân sinh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục các nỗ lực sản xuất, kinh doanh, để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Luật Đấu thầu 2023 quy định, các gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Quy định này nhằm đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu cấp bách trong các trường hợp khẩn thiết phải xử lý như bối cảnh bão Yagi tạo ra.

Chuyên đề