Đổi tiêu chí để doanh nghiệp dễ tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đổi tiêu chí “có khả năng phục hồi” thành “đáp ứng điều kiện vay” được coi là giải quyết điểm nghẽn lớn nhất trong thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Song, có ý kiến cho rằng, cần làm rõ thêm nội dung về điều kiện vay và thủ tục hậu kiểm để doanh nghiệp không ngại tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách này.
Doanh nghiệp còn e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra gói hỗ trợ lãi suất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ảnh: Huấn Anh
Doanh nghiệp còn e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra gói hỗ trợ lãi suất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ảnh: Huấn Anh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Tờ trình 10/TTr-NHNN gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

NHNN cho biết, kết quả HTLS còn thấp, chưa như kỳ vọng do một số khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình NHNN và các bộ, ngành khảo sát thực tế tại địa phương.

Đó là, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận HTLS do tâm lý e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khách hàng không đáp ứng điều kiện được HTLS, trong đó lý do chính liên quan đến quy định "có khả năng phục hồi" tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Do đó, cần xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP liên quan đến tiêu chí đánh giá khách hàng "có khả năng phục hồi".

Theo đó, sửa đổi Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP theo hướng khách hàng có khả năng phục hồi là khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định hiện hành về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện: có đủ năng lực pháp luật dân sự/năng lực hành vi dân sự; nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để trả nợ. Căn cứ các quy định này, NHNN thấy đối với khách hàng đã qua sàng lọc, thẩm định của TCTD, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng trả nợ là đủ đáp ứng các tiêu chí "phục hồi", phát triển theo quan điểm, mục tiêu đã được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết 43/2022/QH15.

Theo NHNN, việc sửa đổi như nội dung Dự thảo Nghị định sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại và khách hàng trong triển khai chính sách HTLS. Tuy nhiên, kết quả HTLS thực tế vẫn phụ thuộc rất lớn vào tâm lý e ngại thanh, kiểm tra HTLS của khách hàng.

Góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định chưa thực sự rõ ràng.

Theo đó, Nghị định mới chỉ quy định theo hướng NHNN và tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được HTLS, tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do NHNN ban hành. Tuy nhiên, hiện nay NHNN chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí, thời gian cho khách hàng.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc sửa tiêu chí “có khả năng phục hồi” thành "đáp ứng điều kiện cho vay" là xác định đúng điểm hạn chế nhất để sửa đổi. Với nội dung này, việc xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp trong phạm vi đối tượng được HTLS cũng sẽ tương tự với xét duyệt các hồ sơ vay thông thường, giúp ngân hàng thuận lợi và yên tâm hơn khi thực thi chính sách.

Về thanh, kiểm tra, đây là việc phải làm, nhưng “nếu đáp ứng và làm đúng thì sao phải sợ?”, ông Linh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, tiêu chí “có khả năng phục hồi” là điểm nghẽn lớn nhất. “Đây là nội dung rất khó xác định cụ thể để có thể chứng minh được. Đồng thời, việc đưa ra tiêu chí này có thể gây ra tình trạng trục lợi chính sách. Do đó, bỏ tiêu chí này là phù hợp”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ “vượt trội” từ ngân sách nhà nước, nên cần làm rõ hơn các điều kiện cần đáp ứng để doanh nghiệp có thể chất vấn ngân hàng khi bị gây khó dễ và từ chối cho vay, bởi đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Về việc thanh, kiểm tra hoạt động cho vay HTLS, theo ông Nam, đây là công việc bắt buộc phải làm để bảo đảm chính sách hỗ trợ đến được đúng đối tượng và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần quy định rõ việc thanh, kiểm tra chỉ gói gọn trong chương trình HTLS, tránh tình trạng từ thanh kiểm tra nội dung này lại lan sang nội dung khác, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.

Chuyên đề