Sửa quy định hỗ trợ lãi suất: Loay hoay tiêu chí "có khả năng phục hồi"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tạo điều kiện thông thoáng, dễ thực hiện việc hỗ trợ lãi suất (HTLS), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng cần hướng dẫn "có khả năng phục hồi" là "đáp ứng điều kiện cho vay" thay vì các tiêu chí cụ thể khác.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

NHNN vừa có Tờ trình 10/TTr-NHNN gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP về HTLS từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

NHNN cho biết, kết quả HTLS còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình NHNN và các bộ, ngành khảo sát thực tế tại địa phương.

Trong đó, nổi lên 2 vấn đề và vướng mắc lớn nhất. Một là, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận HTLS (trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được HTLS và đáp ứng điều kiện được HTLS, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu HTLS), chủ yếu do tâm lý khách hàng e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận HTLS, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại (NHTM) toàn bộ số tiền lãi đã được HTLS.

Hai là, khách hàng không đáp ứng điều kiện được HTLS (khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được HTLS nhưng không đáp ứng điều kiện), trong đó lý do chính liên quan đến quy định "có khả năng phục hồi" tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ NHTM và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ song cũng không dám khẳng định "có khả năng phục hồi" (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát… Đặc biệt, một số khách hàng có doanh thu hoặc lợi nhuận trong giai đoạn dịch Covid-19 cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí "phục hồi".

Do đó, NHNN nhận thấy cần xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2022/NĐ-CP để sửa đổi quy định liên quan đánh giá khách hàng "có khả năng phục hồi".

Theo đó, sửa đổi Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP như sau: "Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sử dụng vốn vay được HTLS đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với NHTM thực hiện HTLS. Khách hàng có khả năng phục hồi là khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định".

Theo Ban soạn thảo, để tạo điều kiện thông thoáng, dễ thực hiện, cần hướng dẫn "có khả năng phục hồi" là "đáp ứng điều kiện cho vay" thay vì các tiêu chí cụ thể khác.

Mặt khác, theo quy định hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện: Có đủ năng lực pháp luật dân sự/năng lực hành vi dân sự; Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; Có phương án sử dụng vốn khả thi; Có khả năng tài chính để trả nợ. Căn cứ các quy định này, NHNN thấy đối với khách hàng đã qua sàng lọc, thẩm định của TCTD, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng trả nợ là đủ đáp ứng các tiêu chí "phục hồi", phát triển theo quan điểm, mục tiêu đã được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết 43/2022/QH15.

Theo NHNN, việc sửa đổi như nội dung dự thảo Nghị định sẽ tạo thuận lợi hơn cho NHTM và khách hàng trong triển khai chính sách HTLS; tuy nhiên, kết quả HTLS thực tế vẫn phụ thuộc rất lớn vào tâm lý e ngại thanh, kiểm tra HTLS của khách hàng.

Góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đối với vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định chưa thực sự rõ ràng.

Theo đó, Nghị định mới chỉ quy định theo hướng NHNN và Tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được HTLS, tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do NHNN ban hành. Tuy nhiên, hiện nay NHNN chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng hoạt động kiểm tra tại Nghị định không gây chi phí quá mức một cách không cần thiết cho doanh nghiệp. Nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung. Đó là, quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng.

Cũng theo VCCI, hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các NHTM. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các NHTM phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về HTLS, không bao gồm các phạm vi khác.

Chuyên đề