Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ trong và ngoài nước, các DN và tất cả các ngành phải sẵn sàng 100% cho việc quản trị và vận hành nền tảng số. Ảnh: Lê Xuân |
Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại phiên đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2019 diễn ra sáng 16/10, tại Hà Nội.
Việt Nam có nhiều cơ hội chuyển đổi số...
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với những đột phá công nghệ và chuyển dịch lao động. Tuy xuất phát sau, nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam có cơ hội, điều kiện rất lớn để thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng Internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc, lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc. Chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên phát triển mạng 5G.
Đồng thuận với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, sự thay đổi nhận thức và sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, các ngành về chuyển đổi số đang tạo ra môi trường chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế số, phát triển thành phố thông minh... Đặc biệt là khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về cuộc cách mạng 4.0.
... nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng không ít DN vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết, có 3 cấp độ thể hiện mức độ đổi mới năng lực KH&CN là đổi mới, hấp thụ và phát triển. Tại Việt Nam, đa số DN mới chỉ dừng lại ở việc đổi mới KH&CN bằng cách đầu tư, mua mới máy móc, thiết bị, sản phẩm mới nhất nhưng chưa làm chủ được KH&CN. “Theo kinh nghiệm của các quốc gia có nhiều DN dẫn dắt xu hướng công nghệ thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc..., để chuyển đổi số thành công thì họ phải có nhiều năm để tích lũy và phát triển công nghệ. Nếu không đủ năng lực hấp thụ KH&CN thì DN không thể phát triển được”, ông Duy nhận định.
Do đó, để chuyển đổi số, ở bước đầu tiên, DN cần đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ để đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất lao động. Nhưng đến bước thứ 2, các DN cần kết hợp với các viện, trường, đội ngũ kỹ sư để tìm hiểu, cải thiện quy trình sản xuất.
Mặc dù có cơ hội lớn như các ý kiến nêu trên, nhưng theo ông Bùi Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, có rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số cho các DN Việt Nam như: con người (đào tạo, tuyển dụng và quản lý nhân sự về công nghệ trong DN), cơ sở hạ tầng phù hợp và hiệu quả làm nền tảng cho mục đích chuyển đổi số đúng nghĩa; khả năng tự phân tích chính mình. Một phương án đầu tư cơ sở vật chất, con người cho công nghệ đã áp dụng thành công ở một DN này chưa hẳn là giải pháp tốt áp dụng hiệu quả đối với DN khác. Do đó, DN phải hiểu rõ năng lực nội tại và nhu cầu cốt lõi của chính mình. Theo đó, các tiêu chí cơ bản để phân tích là con người, mục tiêu, quy trình, sản phẩm dịch vụ trọng tâm...
Ngoài việc tìm mô hình phù hợp, DN còn vướng một trở ngại nữa là sự chuyển đổi quá nhanh của công nghệ, có những hệ thống mau chóng lạc hậu sau khi đầu tư rất lớn, dẫn đến việc DN dù đã quan tâm đầu tư công nghệ từ rất sớm, nhưng lại bị lỡ đà trong dòng chảy chung.
Để thực hiện tiến trình chuyển đổi số, ông Tùng cho rằng, trước tiên, DN phải căn cứ vào quy mô, lĩnh vực, mục tiêu và tham vọng của DN mình, cả trong tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong đó, DN tầm trung đến DN lớn cần thực hiện các mô hình đầu tư bài bản với 3 giai đoạn.
Bước 1 là xác định giá trị cốt lõi của DN và mục tiêu chương trình chuyển đổi số, đồng thời đưa chuyển đổi số vào mọi mục tiêu quản trị, yêu cầu cam kết của các tầng lớp lãnh đạo quyết tâm thực thi chuyển đổi số.
Bước 2 là tăng tốc chuyển đổi số bằng các dự án thí điểm, đồng thời lập chiến lược quản trị tinh gọn, thành lập đội ngũ quản trị có văn hóa số, làm chủ được các công nghệ số, tìm và xây dựng được một đối tác tin cậy để thực thi các dự án chuyển đổi số, nhất là các dự án xây dựng hệ thống lõi để quản trị kinh doanh và vận hành.
Bước 3 là nhân rộng ra toàn bộ hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực đồng bộ để toàn bộ DN trở thành “DN số”.
Còn đối với DN nhỏ và vừa, ông Tùng cho rằng, họ nên bắt ngay vào những thay đổi mới nhất trong nhịp sống công nghệ, những giải pháp có thể giải quyết ngay được những vấn đề trước nhất, từ đó từng bước làm chủ công nghệ.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ cả trong và ngoài nước, ông Tùng khuyến nghị, các DN phải sẵn sàng 100% cho việc quản trị và vận hành nền tảng số. Thậm chí, còn phải đi trước một bước, nếu không có thể sẽ mất toàn bộ thị trường vào tay đối thủ. Vì thế, tất cả các ngành đều phải có sự chuyển dịch.
Trong đó, một số ngành cần ưu tiên chuyển dịch càng sớm càng tốt là dịch vụ tài chính ngân hàng, logistics và vận tải, sản xuất và phân phối. Các startup nên dùng công nghệ thông tin, công cụ số để đưa ra các giải pháp giải quyết các nhu cầu hàng ngày của mọi người một cách thông minh hơn, đưa hạ tầng số vào các lĩnh vực trọng điểm mang tính thúc đẩy nền kinh tế, tạo sức ảnh hưởng lớn hơn cho xã hội.