Việc thụ động chờ đợi các đơn hàng từ bên ngoài có thể làm mất nhiều cơ hội kinh doanh. Ảnh: Trần Sơn |
Cần phải chủ động
Mục tiêu của EVFTA là loại bỏ thuế quan (tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực); xử lý các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch hóa; tạo môi trường pháp lý thân thiện cho kinh doanh; thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả về đầu tư; bảo vệ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
Đối với Việt Nam, EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp cận thị trường châu Âu – một thị trường lớn nhưng rất khắt khe. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU chủ yếu là hàng nông sản, dệt may, thủy sản, da giày…
Dù đánh giá cao lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa đàm phán hoặc ký kết với các thị trường lớn, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, DN phải chủ động tìm hiểu thị trường để thâm nhập vào hệ thống phân phối của các nước thành viên EU.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, nhiều DN hiện nay vẫn đang chờ đợi các đơn hàng từ bên ngoài và điều đó có thể làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Muốn nâng cao vị thế và tăng sức cạnh tranh, DN Việt Nam cần phải trực tiếp đi tìm hiểu thị trường và lắng nghe những phản hồi của đối tác, qua đó có thể cải tiến sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường. Từ đó, mỗi DN chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh.
“Ở nhiều thị trường châu Á có thể thấy, mỗi sản phẩm đều có các phân khúc đối tượng khách hàng khác nhau, nhưng tại thị trường châu Âu thì phân khúc này khá đồng nhất và muốn thâm nhập thành công thì DN không còn cách nào khác là sản phẩm phải đạt chất lượng, ít nhất từ mức trung bình trở lên” – ông Khánh bày tỏ quan điểm.
Lo ngại khung pháp lý
Tuy nhiên, theo ông Remco Gaanderse, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham), Trưởng Đại diện Văn phòng ING Bank tại Hà Nội, khung pháp lý chưa thực sự ổn định và khó dự đoán; các vấn đề cố hữu liên quan đến quá trình thực thi chính sách là những thách thức mà DN ở các nước thành viên EU thực sự lo ngại khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, đối với các công ty châu Âu chưa vào thị trường Việt Nam thì “thách thức” khi không có được một cổng thông tin đầu mối về Việt Nam liên quan đến xuất nhập khẩu, tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực, thuế, các nhà cung ứng thị trường trong nước… là không nhỏ.
Để hỗ trợ các DN châu Âu, EuroCham đã có nhiều chương trình, khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các công ty châu Âu về EVFTA và những lợi ích mà Hiệp định mang lại. Đồng thời, thu xếp, xúc tiến các hoạt động kết nối giữa DN châu Âu và các nhà sản xuất trong nước để thảo luận về cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh trong tương lai…
Ông Mauro Petriccione, Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại, Ủy ban châu Âu, Trưởng Đoàn đàm phán EVFTA của EU khẳng định, hai bên đã có quá trình đàm phán khó khăn để tìm ra lộ trình thực hiện các thỏa thuận chi tiết. Qua đó, hai bên có thể thực hiện những cam kết mở cửa tốt cho hàng hóa, đồng thời khuyến khích cộng đồng DN hai bên đầu tư và hỗ trợ lẫn nhau.