Doanh nghiệp đã sản xuất trở lại nhưng thiếu nhân công trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM đã mở cửa sản xuất trở lại. Khó khăn thì nhiều, trong đó đứng đầu vẫn là thiếu nhân công lao động.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu nguồn nhân công lao động. Ảnh: Internet
Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu nguồn nhân công lao động. Ảnh: Internet

Từng bước khôi phục sản xuất

Ngày 4/10/2021, nhiều địa phương nói trên đã ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ngoài việc đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, các doanh nghiệp còn bố trí nơi cách ly F0, F1 để dự phòng khi có tình huống phát sinh ca nhiễm.

Điều kiện để tất cả công nhân quay lại làm việc là phải đến từ vùng xanh, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện ca nhiễm, doanh nghiệp phải dừng hoạt động nơi có ca nhiễm, báo ngay với cơ quan y tế để thực hiện cách ly, truy vết.

Công ty TNHH Pousung Việt Nam ở Đồng Nai cho hay, ngày 5/10/2021, có hơn 5.000 công nhân trong tổng số trên 25.000 lao động của toàn Công ty đã đi làm trở lại. Cả công nhân và chủ doanh nghiệp đều rất phấn khởi sau gần 3 tháng "biệt tăm".

Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - nơi có đến hàng trăm nghìn công nhân đang "đầu quân" - đã bắt tay vào việc dù chưa thể đạt được công suất như trước đây.

Ở Long An, toàn Tỉnh có hơn 13.000 doanh nghiệp nhưng cũng chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Lần này, đa số các doanh nghiệp đã tăng tốc ngay từ ngày đầu được phép “tái thiết”. Trước tình hình dịch bệnh đang được đẩy lùi, lãnh đạo tỉnh Long An kỳ vọng sẽ sớm khôi phục sản xuất, ổn định phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác.

Tại Bình Dương, sau khi được phép hoạt động trở lại, có hơn 80% doanh nghiệp chuẩn bị bước vào “cuộc đua” mới. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về chống dịch, các doanh nghiệp ở Bình Dương hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động, tăng ca để kịp đáp ứng các đơn hàng ứ đọng.

Riêng ở TP.HCM, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, do nhiều công nhân tiếp tục về quê nên dù nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất trở lại nhưng nguồn nhân công đang thiếu hụt trầm trọng.

Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nhân lực

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch đang là ưu tiên số 1 của các địa phương nói trên. Nhưng, con số bao nhiêu công nhân sẽ quay trở lại với nhà máy thì các doanh nghiệp vẫn chưa thể biết được.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở Đồng Nai cho hay, dù công ty đã ra thông báo cho hơn 1.000 công nhân được đi làm trở lại, song đến nay chỉ có chưa đến phân nửa có mặt, số còn lại đã về quê và chưa biết sẽ ra sao.

Dù các công ty vẫn áp dụng các chế độ chính sách đãi ngộ bình thường, không có gì thay đổi so với thời gian trước giãn cách nhưng nhiều công nhân vẫn chưa thể “hoàn hồn” với những gì đã xảy ra trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa rồi. Đó chính là cái khó khi tuyển dụng công nhân quay lại làm việc.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân người lao động và tiêm vaccine đầy đủ nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng.

Hiện Ban Quản lý khu công nghiệp ở nhiều địa phương nói trên đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, bổ sung nguồn nhân lực để hướng tới ổn định sản xuất lâu dài.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, các địa phương nói trên nên tính đến việc hỗ trợ ưu đãi tín dụng, thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, tăng cường các chính sách đãi ngộ về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể để giúp vực dậy doanh nghiệp.

TPHCM và các tỉnh lân cận lâu nay là nơi quy tụ nhiêu doanh nghiệp nhất so với cả nước. Việc thiếu lao động sẽ gây nên sự khủng hoảng trầm trọng về sản xuất và cung ứng. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, để doanh nghiệp sớm phục hồi, kéo theo nền kinh tế tăng trưởng trở lại, cần phải bù đắp được khoảng trống nguồn nhân lực, càng sớm càng tốt.

Chuyên đề