Phụ tùng là một trong số những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Czech. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đây là nội dung trao đổi của các đại biểu tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (VCCI – HCM) phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Czech tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/6.
Khai thác tiềm năng cùng phát triển
Việt Nam - Czech có quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng. Đặc biệt hợp tác về kinh tế đã có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng liên tục trong ba năm gần đây.
Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 250 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Czech hơn 146 triệu USD, nhập khẩu từ Czech gần 104 triệu USD.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Czech được xác định là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2020. Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp Czech trong nhiều lĩnh vực.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Czech bao gồm giày dép, hàng dệt may, thủy sản, cà phê, hồ tiêu…. nhập khẩu từ Czech chủ yếu là hóa chất, thiết bị, phụ tùng và chất dẻo.
Theo ông Võ Tân Thành, các mặt hàng trao đổi thương mại đều là mặt hàng chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của mỗi bên. Tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương trong thời gian qua chưa phản ánh đúng tiềm năng và nhu cầu của hai nước. Do đó, dư địa để gia tăng thương mại giữa Việt Nam và Czech còn rất lớn.
Hai nước đang nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Con số này hoàn toàn có thể thực hiện được khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực (Czech là thành viên của EU).
Cùng quan điểm, ông Jaroslav Hanak, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Czech chia sẻ, nhu cầu hợp tác với Việt Nam của các doanh nghiệp Czech ngày càng tăng cao. Bởi Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Czech trong khối ASEAN. Thông qua hợp tác và trao đổi thương mại với Việt Nam, các doanh nghiệp Czech có thể tiếp cận và mở rộng thị trường sang các quốc gia khác ở châu Á.
Hơn nữa, Việt Nam và Czech có quan hệ hợp tác và giao lưu nhân dân tốt đẹp qua nhiều năm. Do đó, doanh nghiệp hai bên cũng dễ dàng tiếp cận và kết nối với nhau trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh.
Đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam những năm qua, ông Jiri Koliba, Thứ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Czech khẳng định, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Czech, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Bộ Công thương Czech đã lựa chọn Việt Nam là một trong 12 thị trường xuất khẩu chiến lược đến năm 2020.
Trong đó, Czech sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh trong ngành công nghiệp như máy móc, phụ tùng… Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam đang có nhu cầu lớn phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Ngoài ra, Việt Nam – Czech có thể hợp tác trong việc cung cấp dây chuyền, thiết bị chế biến nông sản, hệ thống tưới nước tự động để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như các trang thiết bị phục vụ cho ngành y tế.
Về đầu tư, hiện nay Czech có 34 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt gần 90 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực mà Czech có thế mạnh như sản xuất thủy tinh, pha lê, thiết bị điện, vật liệu xây dựng.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Czech bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu lớn và nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng, xây dựng các nhà máy thủy điện, công nghệ nano, công nghệ sinh học, xử lý nước thải…
Ngoài ra, phía Czech cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác Việt Nam phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, chế tạo ô tô, xử lý kim loại...
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh
Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, kinh doanh.
Ông Jiri Koliba cho biết, các doanh nghiệp Czech xác định Tp. hồ Chí Minh là một trong những địa điểm đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Trong đó, những thế mạnh của Czech như quy hoạch thành phố, hệ thống điều khiển giao thông, phát triển các phương tiện giao thông công cộng sẽ là giải pháp tốt cho những vấn đề mà Tp. Hồ Chí Minh đang gặp phải hiện nay.
Ngoài ra, các dịch vụ về công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm cũng là những lĩnh vực nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp Czech có thể đẩy mạnh đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh. Việc tăng cường hợp tác vào trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam sẽ không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam mà còn là cơ hội kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp Czech. Đồng thời, nhanh chóng kết nối mạng lưới đầu tư, kinh doanh của Czech vào khu vực thị trường rộng lớn của ASEAN và các nước trong khu vực châu Á.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố luôn mở cửa chào đón các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Czech. Cụ thể, Tp.Hồ chí Minh đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thuế và cắt giảm thời gian làm thủ tục đầu tư cũng như thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm xây dựng môi trường đầu thư thông thoáng nhất.
Lãnh đạo và các ngành chức năng thành phố cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn, chương trình đối thoại với công đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên trên địa bàn.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã chú trọng phát triển hạ tầng, giao thông, dành quỹ đất cho các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Ở lĩnh vực bất động sản, thành phố cũng đã quy hoạch các khu đô thị theo hướng hiện đại với quy mô lớn. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Czech có nhiều cơ hội để hợp tác, đầu tư trong những năm tới và mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.