Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ước khoảng 32,1% đối với các sản phẩm chế biến cho các công ty Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên |
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh như trên tại Hội thảo Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.
Bất cập hiện hữu
Theo một nghiên cứu về thực trạng phát triển CNHT Việt Nam do Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI - Nhật Bản) đưa ra tại Hội thảo, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để phát triển CNHT Việt Nam thời gian tới. Đại diện Nhóm nghiên cứu, TS. Sakurada cho rằng: “DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV, số lượng DN nhiều, song quy mô nhỏ. Hơn nữa, khối DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, xây dựng…, bóng dáng của các DN tham gia vào lĩnh vực CNHT rất ít”.
Đề cập về tình hình hỗ trợ phát triển DN lĩnh vực CNHT, TS. Sakurada nhận xét, Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khối DN tư nhân. Ở cả cấp trung ương và địa phương, Chính phủ đã thành lập những tổ chức, trung tâm hỗ trợ DN. “Song, một điểm đáng lưu ý là ở Việt Nam, các tổ chức này dường như chỉ đơn thuần hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính cho DN, chưa có sự hỗ trợ nhiều về mặt kỹ thuật và công nghệ như tại các quốc gia khác trên thế giới”, TS. Sakurada nêu ý kiến.
“Một thực trạng nữa là tại một số trung tâm, có đơn vị có phòng chuyên biệt để hỗ trợ DN về mặt công nghệ, nhưng lại thiếu máy móc hỗ trợ. Quá trình khảo sát cũng cho thấy, vẫn còn không ít DN trong lĩnh vực CNHT tại Việt Nam chưa biết về các chương trình hỗ trợ này” - TS. Sakurada chỉ ra.
Cũng theo Nhóm nghiên cứu của MRI - Nhật Bản, hiện khâu chính sách hỗ trợ DNNVV khá tốt, nhưng ở bước triển khai và giám sát thực hiện chưa được dành sự quan tâm thích đáng.
Đồng tình với sự đánh giá về những tồn tại nêu trên, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM thẳng thắn, giữa các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT còn thiếu các liên kết dọc, ngang. Bên cạnh đó, năng lực cung cấp các sản phẩm trung gian của Việt Nam còn yếu về chất lượng, giá thành và thời gian, khả năng tham gia của DN Việt vào trong chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu, ngay cả các ngành chúng ta có lợi thế cạnh tranh.
Làm gì để phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa qua cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ước khoảng 32,1% (năm 2015) đối với các sản phẩm chế biến cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Trong các sản phẩm công nghiệp, chỉ có lĩnh vực mô tô, xe máy thì tỷ lệ nội địa hóa cao (95%), còn các lĩnh vực khác như: điện tử, ô tô, sản phẩm công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hóa đều dưới 20%.
Chia sẻ kinh nghiệm, nhiều chuyên gia của MRI - Nhật Bản đề xuất áp dụng thử nghiệm mô hình Trung tâm Công nghệ công lập ở Việt Nam. Theo TS. Sakurada, mô hình này đã có từ lâu và phát triển tương đối. Đây là nơi các DNNVV sử dụng các dịch vụ (thông qua các máy móc) của Trung tâm để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mà DN không có khả năng đầu tư máy móc để thử nghiệm. “Nếu Việt Nam áp dụng mô hình này, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của DNNVV trong lĩnh vực CNHT, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững ngành công nghiệp”, đại diện MRI - Nhật Bản gợi ý.