Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Đảng và Nhà Nước trong việc phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT)?
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhấn mạnh, trong 5 năm tới, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải tập trung ưu tiên để khuyến khích phát triển DN trong nước, trước hết là DN tư nhân. Đây là một chủ trương lớn có tính đột phá của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở thực tiễn và tổng kết của 30 năm đổi mới và trên cơ sở nhận thức xu hướng phát triển nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế.
Thực hiện chủ trương lớn này của Đảng, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020, “cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động’’, tức là “sống được”, hoạt động có hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước, tạo GDP. Trong những tháng qua, Chính phủ đã hành động theo chủ trương này một cách nghiêm túc và tích cực. Biểu hiện là ngay trong cuộc gặp đầu tiên với DN đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề này một cách kịp thời và cam kết xây dựng một chính phủ kiến tạo, hỗ trợ, liêm chính và lấy phục vụ DN và người dân làm thước đo.
Trước mắt, cần khai thác nguồn lực trong dân. Nguồn lực này hiện được đánh giá là không nhỏ, gồm có các loại tài sản như: vàng tích trữ; tiền mặt; tài sản cố định như nhà cửa, bất động sản… nhưng người dân không sẵn sàng hoặc chưa biết chỗ để đầu tư, kinh doanh. Thứ hai là tài sản của Nhà nước như tài nguyên đất đai, rừng, cây, sông biển; DN nhà nước (DNNN) với vô số nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đất đai... Cần cổ phần hóa, kiểm kê tài sản của DNNN để đem ra đấu giá. Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo kiến thức về kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân.
DN tư nhân có đóng góp lớn và được xã hội thừa nhận nhưng vẫn phát triển èo uột. Vậy, làm thế nào để vực dậy khối DN này?
DN tư nhân tại Việt Nam hiện nay còn ít về số lượng, quy mô nhỏ, thị phần yếu, năng lực cạnh tranh kém, công nghệ lạc hậu. DN ít có đường hướng, chiến lược làm ăn lâu dài và hiểu biết thông thạo luật pháp quốc tế, cạnh tranh quốc tế... Hệ quả là rất ít DN tư nhân Việt Nam tạo lập được thương hiệu.
Do đó, bên cạnh việc DN phải hội tụ đủ các yếu tố về vốn, kiến thức, nguồn lực…, Nhà nước cũng cần mở ra các cơ hội kinh doanh bình đẳng cho mọi người dân. Chẳng hạn như đối với DN mới thành lập, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN như ưu đãi về thuế và tín dụng ngân hàng. Chính phủ cũng cần tăng cường thông tin về thị trường, sản phẩm, giảm bớt phiền hà thủ tục hành chính…
Ngoài ra, để có một môi trường kinh doanh tốt, phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý chất lượng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân ra đời. Mặt khác, người thừa hành công vụ, thực thi pháp luật phải có đạo đức tốt. Muốn Chính phủ liêm chính thì công chức phải liêm chính, thể chế phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị và có chế tài thưởng phạt rõ ràng.
Đây là dịp may và là cơ hội hiếm có sau hơn 30 năm đổi mới. Do đó, báo chí cần tăng cường tuyên truyền để giúp người dân, DN hiểu rõ thông điệp này, chuẩn bị tâm thế để nắm bắt cơ hội pháp triển. Ngoài ra, đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phải thay đổi cách thức hỗ trợ các DN thành viên.
Khối DNNN vẫn chậm cải cách, điều này ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng?
Cổ phần hóa DNNN và tăng trưởng không phải là quan hệ nhân quả trực tiếp. Cổ phần hóa là một trong những biện pháp cải cách liên quan đến thể chế. Tuy nhiên, trong bao năm qua, chúng ta chưa đưa ra chỉ tiêu đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện. Do đó, đã đến lúc phải nhìn nhận việc cải cách DNNN như là một chỉ số để đánh giá kết quả chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang KTTT.
Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, sau 10 năm - tức là đến năm 2018, Việt Nam phải hoàn thành việc chuyển đổi sang nền KTTT hoàn toàn và được thế giới công nhận. Do đó, trong thời gian tới phải coi cổ phần hóa DNNN là một trong những nhiệm vụ chính, từ đó cải cách thể chế, thúc đẩy tăng trưởng.