Điện gió chờ cơ chế mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cả nước hiện có 750 dự án điện gió trên bờ và gần bờ với tổng công suất khoảng 103 GW đã được quy hoạch, đề xuất bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, mới chỉ có 84 dự án được đưa vào vận hành, trong đó có 69 dự án với tổng công suất phát gần 3.300 MW được hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Trong 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có 84 dự án đã được công nhận vận hành thương mại. Ảnh: Hà Minh
Trong 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có 84 dự án đã được công nhận vận hành thương mại. Ảnh: Hà Minh

Nhiều dự án lỡ dở vì chưa được công nhận vận hành thương mại

Quy hoạch và đầu tư điện gió thực sự bùng nổ từ sau năm 2017 đến 2020. Ở giai đoạn này, theo số liệu từ Bộ Công Thương, hàng loạt dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi được quy hoạch, đề xuất bổ sung quy hoạch. “Cơ chế giá ưu đãi (FIT) theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg là 9,8 cent/kWh (2.223 đồng/kWh) với dự án trên biển; dự án trên bờ là 8,5 cent/kWh (1.927 đồng/kWh) khi đưa vào vận hành thương mại trước 1/11/2021 đã tạo bước ngoặt phát triển cho lĩnh vực đầu tư điện gió. Tuy nhiên, từ khi cơ chế giá ưu đãi kết thúc, một số dự án điện gió đã hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại (COD), phải chờ cơ chế đã tạo “nút thắt” cho lĩnh vực này”, một doanh nghiệp đầu tư điện gió chia sẻ.

Trong 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW được công nhận COD, có 69 nhà máy (tổng công suất hơn 3.298 MW) được công nhận COD theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước năm 2017.

Dẫn đầu công suất là Nhà máy Điện gió Ea Nam tại Đắk Lắk (399,6 MW) đã đưa vào vận hành toàn phần; Trang trại Phong điện Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận xếp thứ 2 với công suất 151,95 MW, cũng đã được vận hành toàn phần. Tiếp theo là cụm trang trại điện gió BT1, BT2 (Quảng Bình) công suất lần lượt là 109,2 MW và 100,8 MW; Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh, công suất 100 MW; Điện gió Bạc Liêu, công suất 99,2 MW; Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1, Đak Đoa 2 (Gia Lai), công suất khai thác lần lượt là 99 MW và 99 MW đều đã vận hành toàn phần…

Tuy nhiên, một số dự án có công suất lớn mới chỉ phát điện một phần như: Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh (Trà Vinh) công suất 12,8 MW; Nhà máy Điện gió Hướng Linh 7 (Quảng Trị) công suất 12,6 MW; Nhà máy Điện gió Bình Đại (Bến Tre) công suất 4,2 MW; Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 1 (Quảng Trị) 4,5 MW; Điện gió Hưng Hải Gia Lai 4 MW…

Dù vậy, đây vẫn là những dự án may mắn hơn 62 dự án điện gió (tổng công suất trên 3.479 MW) không kịp “về đích” để được hưởng giá FIT trong số 146 dự án điện gió với tổng công suất hơn 8.171 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, có những dự án như Điện gió Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật dù đã hoàn thành nhưng đang phải “đắp chiếu”. Ông Huỳnh Văn Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định - chủ đầu tư Dự án Điện gió Nhơn Hội cho biết, 6 tuabin, công suất 30 MW vẫn đang “bất động” hơn 8 tháng nay dù Dự án đã hoàn thành.

Tương tự, tại Dự án Điện gió Nam Bình 1 (Đắk Nông), 9 cột điện gió với tổng công suất 29,7 MW đang “đứng yên” chờ cơ chế. Ông Lương Duy Nam, Giám đốc dự án Công ty CP Nam Bình cho biết, dù đã đóng điện thành công trạm biến áp và hòa lưới điện quốc gia từ ngày 29/10/2021, nhưng Nhà máy vẫn chưa được công nhận COD.

Trước nghịch lý này, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), băn khoăn, Quyết định 39 đã hết hiệu lực nhưng chưa có chính sách mới về giá bán điện. Chính sách cần phải dễ dự báo và cho doanh nghiệp biết sớm, cụ thể để có lộ trình kế hoạch, động lực hoàn thiện dự án.

Nhận diện đúng tiềm năng

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư điện gió, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đấu thầu mua điện. Cụ thể, EVN sẽ là đơn vị đấu thầu, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Giá mua điện sau đấu thầu sẽ áp dụng trong 3 năm (đến năm 2025).

Sau thời gian này, các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ phải đấu thầu tiếp theo quy định do Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành. Đồng tiền tính giá là VND (đồng/kWh) và không điều chỉnh biến động theo tỷ giá VND/USD. Nhà máy điện sẽ được huy động theo yêu cầu của hệ thống điện, tuân thủ quy định về quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và các quy định khác liên quan; đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Dự thảo Danh mục các vùng sử dụng không gian biển quốc gia xác định 10 vùng ưu tiên phát triển điện gió, bao gồm: Ngoài khơi Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình hơn 858 ha; Ngoài khơi Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa hơn 142 ha; Ngoài khơi ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, ven bờ Hà Tĩnh, Quảng Bình gần 2.000 ha; ven biển Bình Định hơn 47,7 ha; Ngoài khơi Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 2.400 ha; ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu gần 55 ha; huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) 1.553 ha; Đông Hải (Bạc Liêu) 2.508 ha; Năm Căn (Cà Mau) 1.374 ha và Ngọc Hiển (Cà Mau) 252 ha.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần đẩy nhanh tiến độ thiết kế và triển khai cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Cơ chế được tổ chức bài bản và đồng bộ có thể thúc đẩy ngành năng lượng phát triển vượt bậc, đặc biệt là điện gió ngoài khơi - một nguồn năng lượng sạch trong nước có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên, điều GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học thuộc Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (VIASEE) lo lắng lại không phải là chính sách giá, cơ chế đấu thầu mà là nhận diện đúng tiềm năng về năng lượng tái tạo nói chung và điện gió tại Việt Nam nói riêng.

Theo ông Cơ, chưa có nhiều nghiên cứu sâu về khả năng tính toán sản lượng điện từ năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, đối với điện gió, phải tiến hành đo gió ở trên cao, từ 10 - 15 phút cho mỗi lượt đo, liên tục trong ít nhất một năm, phải có đường cong năng lượng của các loại tuabin và có phần mềm tính sản lượng điện qua kết quả đo gió đối với mỗi loại tuabin gió. Chỉ khi ước tính được sản lượng điện của một trang trại gió thì doanh nghiệp mới tính được khả năng sinh lợi khi đầu tư. Ở Việt Nam, nhiều dự án còn thiếu những nghiên cứu, quan trắc loại này nhưng vẫn được bổ sung quy hoạch giai đoạn trước.

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE cho biết, trên thực tế, tiềm năng điện gió của Việt Nam hiện nay chỉ ở dạng ước tính và khá nhiều vùng đất không có đủ điều kiện xây dựng trang trại điện gió lớn. Vì vậy, tiềm năng lắp đặt công suất điện sẽ thấp hơn nhiều số liệu được đưa ra. Điện gió đang gặp thách thức rất lớn từ thực tế. Có những dự án đề xuất bổ sung vào quy hoạch nhưng hoàn toàn không có các thông số kỹ thuật kèm theo.

“Phải nhận diện đúng những khó khăn, hạn chế để không quá kỳ vọng hoặc quá lạc quan về khả năng phát triển điện năng lượng tái tạo. Thay vào đó, phải cân đối phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh chung của phát triển điện lực quốc gia và xu hướng phát triển chung của thế giới về giảm phát thải ra môi trường”, ông Cơ đề nghị.

Chuyên đề