Dịch diễn biến phức tạp, chính sách hỗ trợ chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sụt giảm nguồn thu và dòng tiền do dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để giúp doanh nghiệp tồn tại, hồi phục.
Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch Covid-19, lượng xe vận tải hành khách hoạt động đến nay chỉ khoảng 20 - 30% so với trước. Ảnh: Hoàng Hải
Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch Covid-19, lượng xe vận tải hành khách hoạt động đến nay chỉ khoảng 20 - 30% so với trước. Ảnh: Hoàng Hải

Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, trước dịch Covid-19, có hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế đến Khánh Hòa mỗi tháng, nhưng khi dịch đến, lượng du khách sụt giảm mạnh, không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Không ít doanh nghiệp du lịch đang bên bờ vực phá sản.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, lượng xe khách hoạt động đến nay chỉ khoảng 20 - 30% so với trước, trên mỗi chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt, khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe càng giảm nhiều hơn.

Còn theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trong nước, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Trước những khó khăn đó, bà Ngân chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bản thân chúng tôi tự đánh giá được sức khỏe của mình, doanh nghiệp nào không tồn tại được phải giải thể. Dù lãi suất chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất kinh doanh rất khó. Tài sản thế chấp là vấn đề lớn trong các hồ sơ vay nhưng cũng chỉ dùng để vay được khoản ban đầu, khi bị đọng vốn rồi đi vay rất khó. Chúng tôi mong ngân hàng cho nợ dài hạn hơn để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa”.

Ông Hoàng Văn Vinh nêu quan điểm: "Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh được tiếp cận khoản vay không có lãi và xem xét khoanh một số khoản nợ để doanh nghiệp có thể sống sót”.

Theo ông Bùi Danh Liên, các chính sách hỗ trợ đã được triển khai từ năm ngoái đến nay song kết quả vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải phải giữ được doanh nghiệp, phải giữ được người lao động mới có thể cùng nền kinh tế phát triển.

"Dịch bệnh rất khó đoán định. Chúng tôi mong các cơ quan, ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn, kéo dài thời hạn gia hạn nợ, hoặc khoanh nợ để doanh nghiệp có thể tồn tại và tiếp tục phát triển. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể tính đến các giải pháp như giảm phí, thuế, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%...”, ông Liên nêu ý kiến.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, giãn, hoãn tiền thuê đất là chính sách được đón nhận tích cực, trong giai đoạn vẫn còn khó khăn hiện nay, cần kéo dài thời gian trong kê khai thêm 6 tháng.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hai năm qua doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là thiếu hụt dòng tiền, trở ngại về logistics. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng ngành thuế cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.

“Ngay bây giờ, cơ quan thuế cần tính đến khả năng có thể kéo dài tiếp việc thực hiện các giải pháp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đồng thời, có thể xem xét tiếp tục giảm mạnh hơn nữa các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, miễn giảm một số loại thuế cho một số nhóm đối tượng nhất định”, ông Hiếu nói.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề