Hai phương án được đề xuất cho dịp nghỉ dài nhất trong năm. Ảnh minh họa: Tường Lâm |
Tại Dự thảo tờ trình, Bộ đề xuất hai phương án cho dịp nghỉ dài nhất trong năm này.
Theo đó, phương án 1, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Năm, ngày 8/2/2024 đến hết thứ Tư, ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Phương án 1, người lao động sẽ nghỉ 2 ngày trước Tết và 5 ngày Tết, được cho là hài hòa về số ngày nghỉ trước và sau Tết |
Với phương án này, dịp Tết Nguyên đán 2024, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động).
Phương án 2, Bộ đề xuất nghỉ 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Sáu, ngày 9/2/2024 đến hết thứ Năm, ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Với phương án này, dịp Tết Nguyên đán, công chức, viên chức cũng sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần, theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động).
Theo phương án 2, người lao động nghỉ 1 ngày trước Tết và 6 ngày Tết |
Cả hai phương án đề xuất đều có số ngày nghỉ bằng nhau, nhưng bộ này đề xuất chọn phương án 1 vì đảm bảo hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Đối với người lao động, căn cứ điều kiện thực tế và lịch nghỉ áp dụng với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng lịch nghỉ cho người lao động như đối với công chức.
Cũng theo quy định, các doanh nghiệp cần thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Từ năm 2021, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ dịp 2/9, Chính phủ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tùy từng năm. Người dân cả nước có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ chính thức trong năm.