Bản tin thời sự sáng 16/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mạng 5G chính thức triển khai tại Việt Nam; TP.HCM kêu gọi đầu tư 23 dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao; đề xuất làm 23 km đường ven biển Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); khởi tố vụ án liên quan đấu thầu thiết bị của Công ty AIC xảy ra tại Bình Thuận…

Mạng 5G chính thức triển khai tại Việt Nam

Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên công bố thương mại hóa 5G sáng 15/10, phủ sóng tại 63 tỉnh thành.

Đo thử tốc độ mạng 5G

Đo thử tốc độ mạng 5G

Trong sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập sáng 15/10 ở Hà Nội, Viettel tuyên bố trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, sau 6 tháng đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) với số tiền 7.533 tỷ đồng.

Viettel cho biết đã lắp đặt hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% "thủ phủ" của 63 tỉnh thành, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Tốc độ mạng có thể đạt 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G hiện nay và độ trễ gần như bằng 0. Nhà mạng cũng triển khai đồng thời trên hai nền tảng kiến trúc 5G NSA (Non-stand Alone) và 5G SA (Stand Alone).

Viettel bắt đầu thử nghiệm 5G từ năm 2019 trên nền tảng 4G, gọi là 5G NSA (Non-stand Alone). Giữa năm nay, họ tiếp tục thử nghiệm mạng 5G độc lập (SA). So với 5G NSA, ngoài cung cấp dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA đáp ứng yêu cầu về độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, gấp 20 lần 4G truyền thống, giúp cung cấp các dịch vụ cần sự phản hồi tức thì.

TP.HCM kêu gọi đầu tư 23 dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao

TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 23 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phối cảnh Trung tâm Văn hóa nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được kêu gọi đầu tư

Phối cảnh Trung tâm Văn hóa nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được kêu gọi đầu tư

Các dự án được chính quyền TP.HCM công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 tổ chức sáng 15/10. Trong đó, Thành phố ưu tiên mời đầu tư ngay trong năm nay 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng và giới thiệu 18 dự án với tổng vốn hơn 21.255 tỷ đồng để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án.

5 dự án ưu tiên đầu tư gồm: xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật lao động A-B, Quận 5 (164 tỷ đồng); Nhà hát Gia Định, quận Bình Thạnh (250 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa Thành phố, Quận 1(295 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (chưa xác định mức đầu tư) và Trung tâm Văn hóa thể thao đa năng Thành phố tại huyện Cần Giờ với 1.643 tỷ đồng.

Trong 18 dự án để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư có 16 dự án thành phần thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức), gồm: Học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời (1.000 tỷ đồng), sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh (7.000 tỷ đồng), nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ), sân thi đấu các bộ môn điền kinh (1.500 tỷ đồng)...

Đề xuất làm 23 km đường ven biển Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa)

Đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong dài 23 km, tổng đầu tư 5.400 tỷ đồng, đang được Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND Khánh Hòa.

Đoạn đường ven biển chạy qua Khu kinh tế Vân Phong

Đoạn đường ven biển chạy qua Khu kinh tế Vân Phong

Dự án có điểm đầu giao Tỉnh lộ 651, xã Vạn Thọ và điểm cuối ở xã Vạn Lương, đều thuộc huyện Vạn Ninh; triển khai thủ tục đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, xây dựng năm 2026 - 2030.

Công trình tiếp nối đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, đi thị xã Ninh Hòa, dài 20 km, tổng đầu tư hơn 2.030 tỷ đồng được HĐND Tỉnh thông qua chủ trương đầu tư hồi cuối năm ngoái. Toàn tuyến sẽ hoàn thiện đường ven biển phía Bắc Tỉnh, giúp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành liên quan xem xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải, báo cáo trước 20/10.

Trước đó, tháng 3/2023, đường nối từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (thuộc Khu kinh tế Vân Phong), vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng thông xe giúp thu hút đầu tư phát triển kinh tế. HĐND Tỉnh đã thông qua phương án nâng cấp Quốc lộ 26B, nối cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà vào Vân Phong.

Khởi tố vụ án liên quan đấu thầu thiết bị của Công ty AIC xảy ra tại Bình Thuận

Liên quan vụ đấu thầu thiết bị của Công ty AIC, ngày 15/10 Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận (Bệnh viện YHCT-PHCN).

Trụ sở Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận.

Trụ sở Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận.

Căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh Bình Thuận, đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước, Công an tỉnh Bình Thuận xác định có dấu hiệu tội phạm “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện YHCT-PHCN Bình Thuận, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, xảy ra từ năm 2014.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Thuận phát hiện nhiều sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm của Công ty AIC tại Bệnh viện YHCT-PHCN Bình Thuận. Nhiều hồ sơ thầu không hội đủ các quy định theo Luật Đấu thầu nhưng vẫn được trúng thầu.

Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã chuyển hồ sơ, vụ việc của các gói thầu có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời định giá dự án Saigon One Tower

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an yêu cầu định giá tài sản quyền sử dụng đất và giá trị Dự án Saigon One Tower tại khu đất số 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM.

Dự án Saigon One Tower sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất tại trung tâm TP.HCM

Dự án Saigon One Tower sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất tại trung tâm TP.HCM

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản mời tư vấn xác định giá quyền sử dụng đất và giá trị Dự án Saigon One Tower nằm tại khu đất số 34 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) theo yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

Theo đó, giá trị quyền sử dụng 6.342 m2 đất tại số 34 Tôn Đức Thắng được xác định tại 5 thời điểm.

Cụ thể, gồm: thời điểm góp vốn ngày 31/3/2004; thời điểm thu hồi đất, cho thuê đất ngày 5/6/2006; thời điểm chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất sang giao đất, cho thuê đất ngày 31/12/2008; thời điểm thoái vốn bán 30% vốn Nhà nước của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tại Công ty CP Địa ốc M&C ngày 22/6/2015 và thời điểm ngày 12/9/2023.

Theo đó, các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia định giá tài sản nói trên cần gửi hồ sơ về Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Thời hạn gửi báo giá là trước 14h ngày 18/10.

Văn bản nêu rõ Hội đồng định giá tài sản sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện Gói thầu "Tư vấn xác định giá quyền sử dụng đất và giá trị Dự án Saigon One Tower tại khu đất số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM" theo yêu cầu định giá tài sản của cơ quan cảnh sát điều tra.

Saigon One Tower là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt ở trung tâm Quận 1.

Toà nhà này ban đầu do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng). Dự án có quy mô 41 tầng, cao 185 m, gồm khu căn hộ 180 căn và khu văn phòng.

Được khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009, tuy nhiên đến năm 2011, Dự án khi chỉ mới xây dựng xong phần thô, hoàn thành khoảng 80% các hạng mục thì bị ngừng thi công.

Đây là 1 trong 3 dự án vào năm 2017 bị UBND TP.HCM nhắc nhở vì làm xấu bộ mặt Thành phố do thi công dở dang.

Khởi tố, bắt giam giám đốc một 'siêu ban' của TP. Hồ Chí Minh

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và một thuộc cấp.

Ông Bùi Thanh Tân trong lần đi thị sát tại dự án trên địa bàn TP.HCM

Ông Bùi Thanh Tân trong lần đi thị sát tại dự án trên địa bàn TP.HCM

Ngày 15/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Bùi Thanh Tân (sinh năm 1970, ngụ tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM) và ông Lê Thanh Tùng (sinh năm 1977, ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Điều hành dự án 4 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM).

Cả hai bị khởi tố, bắt giam về tội “Nhận hối lộ” theo Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi quyết định phân công ông Trần Như Quốc Bảo, Phó Giám đốc Hạ tầng đô thị phụ trách lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (bao gồm thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của giám đốc là ông Bùi Thanh Tân).

Được biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thuộc quản lý của UBND TP.HCM. Đơn vị này có vai trò làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (cấp, thoát nước đô thị, chống ngập; công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị).

Ngoài ra, ban này còn làm chủ đầu tư các dự án khác sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách khi được giao; đồng thời tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề