Đề xuất chế tài xử lý việc buông lỏng giám sát đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giám sát là công tác quan trọng nhất nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS), nhưng thời gian qua công tác này bị buông lỏng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của người có tài sản (NCTS) khi thực hiện giám sát, góp phần hạn chế tối đa tiêu cực.
Nhiều hành vi vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất đã bị phát giác thông qua giám sát. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Nhiều hành vi vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất đã bị phát giác thông qua giám sát. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tổng kết 5 năm thi hành Luật ĐGTS chuẩn bị cho việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động ĐGTS đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó có việc NCTS đấu giá (nhất là tài sản công) còn chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản.

Cụ thể, vẫn còn tình trạng NCTS lựa chọn tổ chức ĐGTS để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn tồn tại, một số tổ chức ĐGTS vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị hủy kết quả đấu giá nhưng vẫn được NCTS lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là buông lỏng, do đó không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức ĐGTS, người tham gia đấu giá để trục lợi...

Thực tiễn cho thấy, vai trò giám sát của NCTS và sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sẽ giúp phát hiện, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, làm mất tính cạnh tranh trong các cuộc đấu giá.

Bộ Tư pháp cho biết, trong vụ đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP. Thanh Hóa), UBND tỉnh này đã 2 lần hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm. UBND Tỉnh nghi ngờ có sự bắt tay thông đồng với các dấu hiệu sai phạm của tổ chức ĐGTS như: không cập nhật thông tin ĐGTS trên Cổng thông tin điện tử TP. Thanh Hóa và trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai... Khi tổ chức đấu giá lại, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Tháng 10/2022, tại Trung tâm hội nghị huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra cuộc đấu giá 52 ô đất ở nông thôn tại các xã Dân Quyền, Lam Sơn và Tề Lễ (huyện Tam Nông). Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá hợp danh Việt Linh. Sau khi công bố giá trúng đấu giá của 10 ô đất đầu tiên, một số khách hàng đã phát hiện những dấu hiệu bất thường khi phiếu trả giá viết hai loại mực khác nhau, chữ viết chưa rõ. Tuy nhiên, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá vẫn công bố người trúng đấu giá của các phiếu trả giá trên. Trước những bất thường này, NCTS và Công an huyện Tam Nông đã vào cuộc, niêm phong tại hiện trường hơn 400 bộ hồ sơ để điều tra, làm rõ.

Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, trong đó định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo tính đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong ĐGTS. Cụ thể, định hướng luật hóa, quy định rõ trách nhiệm của NCTS, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động ĐGTS. Xác định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật ĐGTS của NCTS trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá để kịp thời phát hiện các hành vi thông đồng, dìm giá, cản trở tại cuộc đấu giá.

Ngoài ra, quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm đối với những sai phạm của người có quyền bán tài sản công, tài sản thi hành án; hủy kết quả đấu giá do có sai phạm.

Chuyên đề