Để thu hút vốn ngoại vào PPP

(BĐT) - Thực tiễn thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rõ mong muốn đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam, tuy nhiên đến nay tất cả mới chỉ dừng lại ở sự quan tâm, trong khi mục tiêu lớn của chính sách PPP là hướng đến nguồn vốn quốc tế. 
Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Ảnh: Lê Tiên
Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Ảnh: Lê Tiên

Trở ngại chính mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là nguy cơ gặp phải rủi ro ngoài tầm kiểm soát, trong khi quy định hiện hành lại thiếu những cơ chế bảo lãnh cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng thông qua PPP và để thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính cho các dự án PPP, pháp lý về PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách bảo đảm rủi ro cho dự án, như bảo lãnh doanh thu tối thiểu hoặc bảo đảm lưu lượng; bảo đảm ngoại tệ (tỷ giá và lượng ngoại tệ cung ứng sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi); bảo đảm rủi ro về chính sách, chính trị... Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành về PPP chưa có quy định cụ thể về nội dung này.

Thực tiễn triển khai ở các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Theo Bộ GTVT, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm đối với 2 dự án gồm Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất. Theo đó, các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu…

Về bảo lãnh của chính phủ theo thông lệ quốc tế, việc sử dụng các khoản bảo lãnh phải được xem xét kỹ lưỡng và tập trung vào những rủi ro mà chính phủ được cho là quản lý tốt nhất. Thay vì đảm bảo cho vay trực tiếp, các chính phủ có thể bảo đảm hoàn trả nợ do các nguồn thương mại cung cấp, trong trường hợp bên thứ ba không trả được nợ. Tuy nhiên, đảm bảo nợ của dự án làm suy yếu việc chuyển giao rủi ro cho khu vực tư nhân. Vì lý do này, các chính phủ thường chỉ cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần - nghĩa là bảo đảm hoàn trả chỉ một phần của tổng nợ.

Bảo lãnh tín dụng một phần đã được chính phủ nhiều nước phát triển và đang phát triển sử dụng để giúp đỡ, hỗ trợ các chương trình PPP của họ, ví dụ Quỹ bảo lãnh tín dụng hạ tầng cơ sở của Hàn Quốc đảm bảo nợ dự án thông qua cơ chế bảo lãnh đối ứng; hoặc Kazakhstan đã cung cấp các khoản bảo lãnh đối với các trái phiếu hạ tầng cơ sở được cấp cho các dự án PPP trong lĩnh vực vận tải thông qua việc đảm bảo cho các quỹ hưu trí đầu tư vào dự án.

Chuyên đề