Đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: Đừng để ngân sách bị động vì nợ công

(BĐT) - Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cùng các bộ, ngành hữu quan vừa thảo luận về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Số liệu Bộ Tài chính mới công bố cho thấy dự kiến đến hết năm 2015 nợ công tương đương 61,3% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Số liệu Bộ Tài chính mới công bố cho thấy dự kiến đến hết năm 2015 nợ công tương đương 61,3% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Vay nợ “quyết liệt” ngay từ đầu năm

Theo số liệu mới được Bộ Tài chính công bố, dự kiến đến hết năm 2015, dư nợ công tương đương 61,3% GDP, nợ chính phủ tương đương 48,9% GDP, nợ nước ngoài tương đương 41,5% GDP.

Nợ công thời gian vừa qua tiếp tục gia tăng, theo lý giải của Bộ Tài chính là do yêu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư phát triển rất lớn. Cụ thể, năm 2015, ngân sách nhà nước (NSNN) phải huy động 436.000 tỷ đồng TPCP, tăng 35.000 tỷ đồng so với năm 2014

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã chủ động tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn (đa dạng hóa các loại trái phiếu, cải tiến phương thức phát hành), đồng thời trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn TPCP nhằm tăng khả năng huy động vốn và giảm lãi suất phát hành. Nhờ đó, đã hoàn thành nhiệm vụ phát hành TPCP được giao, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi NSNN và đầu tư các dự án bằng nguồn vốn TPCP.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong quá trình điều hành, đã đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi trong phạm vi dự toán. Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, đánh giá mức an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ, tăng phát hành TPCP kỳ hạn dài (kỳ hạn bình quân tăng từ 4,8 năm trong năm 2014 lên 7,12 năm trong năm 2015); giảm lãi suất trái phiếu phát hành (giảm khoảng 0,47% so với năm 2014).

“Giữa năm 2015, Bộ Tài chính đã phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm, và vào thời điểm cuối năm 2015, lần đầu tiên phát hành TPCP kỳ hạn dài tới 30 năm. Điều đáng nói nữa là, toàn bộ khối lượng TPCP kỳ hạn 30 năm đều được nhà đầu tư mua vào. Điều này đã chứng tỏ rằng, nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào các chính sách bảo đảm kinh tế vĩ mô, tin tưởng vào sự ổn định của đồng nội tệ vì toàn bộ khối lượng trái phiếu kỳ hạn 20-30 năm đều được phát hành bằng VNĐ”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Năm 2016, mức bội chi đã được Quốc hội thông qua là 254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương 4,95%GDP, giảm 0,05% so dự toán năm 2015. Để bảo đảm cân đối NSNN năm 2016, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính phải huy động 409.000 tỷ đồng TPCP, trong đó để bù đắp bội chi 254.000 tỷ đồng, dành cho đầu tư phát triển 60.000 tỷ đồng và đảo nợ 95.000 tỷ đồng. “Mặc dù khối lượng TPCP giảm 27.000 tỷ đồng so với năm 2015, song đây vẫn là nhiệm vụ hết sức rất nặng nề. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch triển khai phát hành TPCP với nhiều giải pháp quyết liệt”, bà Mai nhấn mạnh. 

Nợ công “leo thang”, ngân sách bị động

Vẫn biết, trong điều kiện “NSNN năm nào cũng giật gấu vá vai”, như cách nói của chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nên việc vay nợ trong và ngoài nước để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội là vô cùng cần thiết. Nhưng không ít nhà lập pháp quan ngại nếu tiếp tục vay nợ năm sau lớn hơn năm trước sẽ khiến nợ công “leo thang”.

Ông Phùng Đức Tiến, thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, năm 2015, tổng khối lượng vay nợ 436.000 tỷ đồng, trong đó bù đắp bội chi  226.000 tỷ đồng, dành cho đầu tư phát triển 85.000 tỷ đồng, đảo nợ 125.000 tỷ đồng, tức là khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả nợ. Năm 2016, bội chi tương đương 4,95% GDP, giảm 0,05% so với dự toán năm 2015, nhưng quy mô nền kinh tế lớn hơn nên số tiền huy động tuyệt đối vẫn tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015. “Cứ đà này, nợ công sẽ tiếp tục dâng cao, đặt gánh nặng lên nền kinh tế và NSNN trong bối cảnh tình hình và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, bóng đen suy thoái đang hiện hình ở một số nền kinh tế lớn và có khả năng tác động đến toàn cầu. Nếu nợ công tăng quá cao, gây ra những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế”, ông Tiến quan ngại.

“Năm 2010 nợ công tăng 27% so với năm 2009. Từ năm 2011 đến năm 2014, nợ công tăng lần lượt (năm sau so với năm trước) 24,8%; 18,4% và 17,9% khiến sức ép trả nợ ngày càng tăng. Bắt đầu từ năm 2012, NSNN đã phải huy động TPCP để đảo nợ và số vay đảo nợ mỗi năm một tăng từ 40.000 tỷ đồng năm 2013 lên 77.000 tỷ đồng năm 2014 và 125.000 tỷđồng vào năm 2015”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng thông tin và tỏ ra lo ngại trước sức ép trả nợ ngày càng lớn. “Theo thông lệ quốc tế, tổng số tiền trả nợ công hàng năm tối đa chỉ bằng 25% tổng thu NSNN thì an ninh tài chính mới bảo đảm, nhưng năm vừa qua, tổng số tiền trả nợ của chúng ta đã bằng với 31,9% tổng thu ngân sách. Đây là dấu hiệu rất không an toàn”, ông Tiến lo ngại, đồng thời cũng đặt vấn đề tăng cường hơn nữa kỷ cương đầu tư, kỷ luật tài chính; thống kê đầy đủ, chính xác các khoản nợ công và nợ có tính chất công; giám sát chặt chẽ việc sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn đi vay và cũng chuẩn bị phương án để khi nợ công chạm ngưỡng trần (tương đương 65% GDP) NSNN không bị lúng túng.

Điểm lại các con số về nợ công, dư nợ TPCP cũng như số tiền phải “vay nóng” để đáo hạn trong những năm vừa qua, TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi nợ đến hạn không trả được, phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ. “Qua tiếp xúc với cử tri, tôi thấy người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ công, bội chi và cân đối NSNN”, ông Văn cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư