Đấu thầu vật tư y tế tại Thái Bình: Trượt thầu vì... lỗi đánh máy trong catalogue

(BĐT) - Tại Phần 5 của Gói thầu vật tư y tế (VTYT) số 5 VTYT liên quan đến các kỹ thuật tim mạch và X-quang thuộc Dự án Cung ứng hóa chất, VTYT cho các cơ sở y tế trong tỉnh Thái Bình năm 2019 - 2020, một nhà thầu (NT) bị loại do sai sót trong khâu chuẩn bị hồ sơ. Cho rằng bị tước mất cơ hội làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), NT kiến nghị bên mời thầu (BMT) tổ chức đấu thầu lại.
Nhà phân phối đã xác nhận lỗi sai thông số kỹ thuật các sản phẩm phim khô trong catalogue nhưng Bên mời thầu không đánh giá lại hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Ảnh: Trần Sơn
Nhà phân phối đã xác nhận lỗi sai thông số kỹ thuật các sản phẩm phim khô trong catalogue nhưng Bên mời thầu không đánh giá lại hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Ảnh: Trần Sơn

Nhà thầu không có cơ hội làm rõ hồ sơ dự thầu

Gói thầu nói trên có giá gói thầu là 200,589 tỷ đồng, do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thái Bình mời thầu. Gói thầu được chia làm 5 phần, trong đó, Phần 5 Các VTYT X-quang có giá là 76,159 tỷ đồng. Việc lựa chọn NT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Tham dự Phần 5 có 2 NT, gồm: Liên danh Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật - Hoàng Phương - Anh Ngọc (Việt Nhật - Hoàng Phương - Anh Ngọc) và Liên danh Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu VietLand - Công ty CP Thiết bị y tế và Hóa chất Hà Nội (VietLand - Hóa chất Hà Nội).

Trong quá trình đánh giá HSDT, do không nhận được thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (HSĐXKT), Liên danh Việt Nhật - Hoàng Phương - Anh Ngọc liên tục gửi 2 văn bản kiến nghị tới BMT, Sở Y tế, UBND tỉnh Thái Bình, nhưng không nhận được phản hồi nào. Ngày 18/3/2020, NT nhận được Thông báo kết quả lựa chọn NT. Theo đó, Liên danh VietLand - Hóa chất Hà Nội được chọn trúng thầu; Liên danh Việt Nhật - Hoàng Phương - Anh Ngọc trượt thầu vì không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, “sản phẩm của NT không đảm bảo theo quy định tại Mục 3 Chương III của hồ sơ mời thầu (HSMT)”.

Cho rằng BMT nêu lý do loại NT rất chung chung, không minh bạch, ngày 19/3/2020, NT tiếp tục có văn bản kiến nghị BMT làm rõ về nội dung của tiêu chí đánh giá không đạt. Đến ngày 25/3/2020, NT nhận được văn bản làm rõ của Sở Y tế, trong đó nêu 3 sản phẩm phim khô DT 5.000 iB các cỡ 10x12 inch (25x30 cm), 14x17 inch (35x43 cm), 8x10 inch (20x25 cm) NT chào có mật độ quang học tối đa 3.1 là không đáp ứng yêu cầu của HSMT, phải từ 3.2 trở lên.

Mặc dù vậy, NT kiến nghị vẫn cho rằng BMT loại NT là thiếu thuyết phục. Bởi vì, 2 NT tham dự đều chào cùng sản phẩm của 1 nhà sản xuất - Hãng Agfa/Bỉ. Khi đánh giá HSĐXKT thấy có sự sai khác về tiêu chí kỹ thuật giữa 2 NT, đáng lẽ BMT phải yêu cầu NT làm rõ. Vì BMT không thông báo kết quả đánh giá kỹ thuật cho NT nên NT bị tước mất cơ hội làm rõ HSĐXKT.

Cũng theo NT kiến nghị, trong quá trình đánh giá HSDT, BMT đã có văn bản tham vấn Công ty TNHH Hình ảnh Viễn Đông - nhà phân phối sản phẩm của Hãng Agfa (đơn vị ủy quyền cho Liên danh Việt Nhật - Hoàng Phương - Anh Ngọc tham dự thầu) và nhận được văn bản trả lời vào ngày 3/2/2020 (gần 40 ngày trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn NT). Trong đó, Nhà phân phối xác nhận trong khâu chuẩn bị tài liệu đã gửi bộ catalogue bị sai do lỗi đánh máy của nhà sản xuất và gửi lại bản catalogue với thông số kỹ thuật là mật độ quang học tối đa  3.2. Tuy nhiên, BMT đã không sử dụng để đánh giá lại HSĐXKT của NT. Do đó, NT đề nghị BMT phải đánh giá lại HSĐXKT của NT, thậm chí là tổ chức đấu thầu lại để đảm bảo sự công bằng. 

Có nên đánh giá lại hồ sơ đề xuất kỹ thuật?

Phản hồi với Báo Đấu thầu, đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Bình thừa nhận là chậm trả lời kiến nghị của NT, do việc tổ chức đấu thầu tập trung VTYT có liên quan đến nhiều đơn vị.

Đại diện Sở Y tế Thái Bình cũng cho biết, sau khi có yêu cầu của UBND Tỉnh làm rõ kiến nghị của NT, Sở Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan và cuối cùng thống nhất nhận định đây là lỗi của NT khi dự thầu. Việc đánh giá HSDT như trên là đúng quy định, giữ nguyên kết quả đánh giá HSDT và không tổ chức đấu thầu lại.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu bình luận, trường hợp sai sót này, BMT có thể yêu cầu NT làm rõ. BMT có thể căn cứ vào văn bản xác nhận của Nhà phân phối để đánh giá lại HSĐXKT, kể cả trường hợp đã phê duyệt kết quả đánh giá HSĐXKT. Nguyên tắc đánh giá HSDT là đánh giá đúng bản chất hàng hóa. Nếu có sự sai khác về tiêu chí kỹ thuật, thì BMT có thể yêu cầu NT làm rõ, miễn là không được thay đổi loại hàng hóa đó.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư