Đấu thầu dự án sử dụng đất: Ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng trăm dự án sử dụng đất (DASDĐ) đã được các địa phương công bố danh mục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (LCNĐT), trong đó có nhiều dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động. Pháp luật hiện hành cho phép DN sử dụng đối tác cùng tham gia dự án bằng thỏa thuận hợp tác, nhưng việc ràng buộc trách nhiệm thực hiện dự án, nhất là với nhà đầu tư là DN trẻ, như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu xây lắp (đã có dự án tương tự) trong vai trò đối tác là cách để nhiều doanh nghiệp mới thành lập đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu xây lắp (đã có dự án tương tự) trong vai trò đối tác là cách để nhiều doanh nghiệp mới thành lập đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Thực trạng đấu thầu dự án sử dụng đất

Đấu thầu LCNĐT thực hiện DASDĐ là cơ hội để DN bất động sản được làm chủ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên những khu đất có giá trị nhưng chưa được giải phóng mặt bằng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2021 có tổng số 252 DASDĐ thực hiện LCNĐT với tổng số vốn huy động khoảng 209.507,99 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 6.838,88 ha. Còn trong 10 tháng đầu năm 2022, khảo sát sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, có khoảng 300 DASDĐ đã được các địa phương công bố danh mục dự án.

Một điểm dễ nhận thấy là, không ít trường hợp NĐT đăng ký thực hiện dự án là DN rất trẻ, có thời gian hoạt động tới thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án chỉ tính theo tháng. Đơn cử, tại Dự án Khu đô thị số 6 thuộc đô thị mới Điềm Thụy (7,58 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện 238,499 tỷ đồng) ở Thái Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Bình Green (địa chỉ tại Thái Nguyên) là NĐT duy nhất đăng ký thực hiện Dự án và đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm. Tại thời điểm kết thúc đăng ký thực hiện Dự án (ngày 2/5/2022), DN này mới được thành lập chưa đầy 1 tháng.

Tương tự, tại TP. Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), Công ty CP Đầu tư Hà Thu là NĐT duy nhất đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị và dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (Khu A, 33,3 ha, tổng chi phí thực hiện sơ bộ hơn 1.133 tỷ đồng) và Dự án Khu đô thị và dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (Khu B, 45,648 ha, tổng chi phí thực hiện sơ bộ hơn 1.724 tỷ đồng). Công ty CP Đầu tư Hà Thu (địa chỉ tại TP. Sông Công) đăng ký thực hiện 2 dự án này sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày thành lập (1/12/2021).

Một trường hợp khác, vào tháng 5/2022, khi Sở KH&ĐT Phú Thọ mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở đô thị Đông Viên tại thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê với tổng chi phí thực hiện dự kiến 376,386 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đất Mới (địa chỉ tại huyện Cẩm Khê) là NĐT duy nhất đăng ký thực hiện Dự án. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đất Mới được thành lập trước đó 5 tháng (vào ngày 30/12/2021).

Các dự án trên vẫn đang trong quá trình đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của NĐT.

Một số tình huống rắc rối

Theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT (TT09), ở bước đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm, NĐT phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm. Trong đó, yêu cầu 1 dự án tương tự có tổng mức đầu tư trong khoảng 50 - 60% dự án đang xét. Có 3 cách xác định dự án tương tự để đánh giá năng lực, kinh nghiệm gồm: NĐT là chủ đầu tư dự án tương tự (loại 1); NĐT đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp (loại 2); NĐT ký hợp đồng hợp tác với đối tác là nhà thầu chính xây lắp (loại 3). Các dự án loại 2 và 3 sẽ được quy đổi thành dự án loại 1 để đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ một sở KH&ĐT thông tin, với trường hợp NĐT là DN mới thành lập thì không thể có dự án tương tự với vai trò là chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp chính. Trong trường hợp không liên danh, hầu hết DN mới thành lập dùng hợp đồng dự án tương tự loại 3. Tức là, DN mới thành lập ký kết hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu xây lắp (đã có dự án tương tự) trong vai trò đối tác cùng thực hiện để đáp ứng năng lực, kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có thể xảy ra trường hợp sau khi trúng thầu, NĐT không sử dụng đối tác như đã cam kết hoặc thay thế đối tác khác thì hiện chưa có phương án xử lý. Việc hủy kết quả lựa chọn NĐT trong trường hợp này có được không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Có ý kiến khác đặt vấn đề, trong quá trình đăng ký thực hiện dự án và tham gia đấu thầu, năng lực thực hiện dự án của đối tác vẫn đáp ứng, nhưng khi chính thức thực hiện dự án thì đối tác này lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phá sản, giải thể thì sẽ xử lý như thế nào?

Một chuyên gia đấu thầu cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật Đấu thầu và Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, hồ sơ dự thầu (trong đó có nội dung kê khai về đối tác thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa NĐT và đối tác) là một phần của hồ sơ hợp đồng. Quy định tại Khoản 3 Điều 60 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, NĐT chịu trách nhiệm thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký kết, bao gồm cả việc huy động đối tác đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Do vậy, trường hợp NĐT không sử dụng đối tác đã cam kết, việc ràng buộc trách nhiệm của NĐT được thực hiện theo điều khoản của hợp đồng.

Chuyên gia đấu thầu nhấn mạnh, việc quyết định hủy thầu của người có thẩm quyền chỉ thực hiện trong quá trình tổ chức đấu thầu và áp dụng đối với các trường hợp hủy thầu được quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu. Theo đó, các trường hợp hủy thầu không bao gồm việc NĐT không sử dụng đối tác như đã cam kết khi tham dự thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư