Đấu thầu dịch vụ công ích tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Tiêu chí định hướng nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (bên mời thầu) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) thực hiện Gói thầu Cung cấp dịch vụ quản lý chăm sóc cây xanh và vệ sinh công cộng thuộc Kế hoạch Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn huyện Bình Xuyên 3 năm (từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2024). Đây là lần thứ 2 Gói thầu được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) sau khi hủy thầu vào đầu năm nay.
Gói thầu Cung cấp dịch vụ quản lý chăm sóc cây xanh và vệ sinh công cộng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc làm bên mời thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Cung cấp dịch vụ quản lý chăm sóc cây xanh và vệ sinh công cộng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc làm bên mời thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 20,939 tỷ đồng, áp dụng đấu thầu rộng rãi qua mạng, HSMT phát hành từ ngày 30/8 - 19/9/2022. Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ chuyển giao kỹ thuật là tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT); Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Vĩnh Phúc thẩm định HSMT, thẩm định kết quả LCNT.

Theo phản ánh của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, HSMT trong lần mời thầu lại này có nhiều tiêu chuẩn đánh giá mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu. Cụ thể, tại Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, đối với yêu cầu về điểm lấy nước phục vụ Gói thầu, HSMT quy định: "Nhà thầu phải đề xuất 4 điểm (vị trí) lấy nước khả thi trên địa bàn thực hiện Gói thầu (thuộc huyện Bình Xuyên), các điểm lấy nước đảm bảo có đủ lượng nước tưới ổn định, kết quả mẫu phân tích nước tại các vị trí đề xuất phải đạt cột B Quy chuẩn 08-MT:2015/BTNMT dùng cho tưới tiêu. Kết quả phân tích nước có thời hạn không quá 6 tháng tính đến thời điểm mở thầu". Nhà thầu cho rằng, đây là yêu cầu mang tính "địa phương hóa" là một dạng "giấy phép con" cản chân các nhà thầu. "Yêu cầu này được đưa vào tại thời điểm mời thầu vừa không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, vừa tạo cơ chế xin - cho, phát sinh chi phí cho nhà thầu. Mặt khác, việc cấp phép xin khai thác nước mặt và phân tích nước mặt cần có thời gian vượt quá thời gian lập HSDT. Như vậy, đây là tiêu chí bất thường, có ý hạn chế nhà thầu", Nhà thầu phân tích.

Cũng tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, HSMT quy định: "Nhà thầu có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khoa học, hợp lý, hiệu quả phù hợp với quy định hiện hành; trong đó, người chủ trì lập biện pháp đảm bảo an toàn giao thông phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ và đã từng tham gia chủ trì lập biện pháp đảm bảo an toàn giao thông gói thầu tương tự đã được xác nhận". Theo Nhà thầu, đây là gói thầu dịch vụ công ích có kỹ thuật không phức tạp, không phải là gói thầu trong lĩnh vực giao thông đường bộ, do đó, việc HSMT áp dụng tiêu chuẩn "người chủ trì lập biện pháp đảm bảo an toàn giao thông phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ" để đánh giá là bất thường, chưa từng có tiền lệ, mang tính định hướng nhà thầu. Từ đó, Nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu lược bỏ tiêu chí này, hoặc trường hợp cần thiết, có thể thỏa thuận quy định tại nội dung quản lý chất lượng trong hợp đồng ký kết sau này giữa các bên.

Bên cạnh đó, hàng loạt vị trí nhân sự chủ chốt tại HSMT cũng bị phản ánh yêu cầu quá nhiều chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp, khiến nhà thầu rất khó đáp ứng như: Cán bộ quản lý chung phải có chứng chỉ/chứng nhận tin học văn phòng; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (nhóm 1); huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Cán bộ an toàn lao động, phòng chống cháy nổ phải có trình độ đại học chuyên ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, môi trường. Cán bộ kỹ thuật có chứng chỉ/giấy chứng nhận tin học văn phòng; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động (nhóm II trở lên). Cán bộ đảm bảo an toàn giao thông phải có chứng chỉ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ…

Theo tìm hiểu, gói thầu nêu trên đã được mời thầu lần đầu vào tháng 2/2022, với sự tham dự của 2 nhà thầu, gồm: Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (địa chỉ tại TP. Vĩnh Yên) và Công ty CP Phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc (địa chỉ tại huyện Bình Xuyên). Tuy nhiên, Gói thầu bị hủy thầu ngay trong giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với lý do cần điều chỉnh lại phạm vi đầu tư.

Dễ dàng nhận thấy, tại lần mời thầu lại, HSMT bổ sung khá nhiều tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn lần mời thầu trước. Đơn cử, nếu như trước đó HSMT cho phép các nhà thầu tham dự được chủ động đề xuất điểm lấy nước có kết quả phân tích đạt yêu cầu và phù hợp với địa điểm thực hiện Gói thầu, thì HSMT lần 2 lại thu hẹp phạm vi đáp ứng theo hướng chỉ chấp thuận các điểm lấy nước trên địa bàn huyện Bình Xuyên. HSMT cũng bổ sung thêm vị trí cán bộ đảm bảo an toàn giao thông với điều kiện có chứng chỉ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ… Đây là căn nguyên làm phát sinh kiến nghị từ phía nhà thầu.

Tuy nhiên, trước kiến nghị của Nhà thầu, Bên mời thầu tiếp tục bảo lưu các tiêu chí mời thầu và mở thầu theo kế hoạch vào ngày 19/9/2022. Biên bản mở thầu cho thấy, Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên và Công ty CP Phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục tham gia cạnh tranh tại lần đấu này.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc HSMT giới hạn hợp đồng nguyên tắc trên một địa bàn nhất định nào đó là đã trực tiếp cản trở sự tham gia của nhà thầu. Về nguyên tắc, nhà thầu có quyền dự thầu bằng bất kỳ nguồn cung ứng nào, kể cả trong hay ngoài địa phương nơi thực hiện gói thầu, miễn là đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thông số và chất lượng theo yêu cầu. Cũng theo vị chuyên gia, trường hợp HSMT "đòi hỏi" quá nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; hoặc quy định các vị trí nhân sự về bản chất không liên quan đến công việc mời thầu, đều dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Chuyên đề