Đấu giá tần số vô tuyến điện: Tổ chức thực hiện chặt chẽ, tránh xảy ra lợi ích nhóm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị, đấu giá tần số vô tuyến điện cần được tổ chức chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhiều ý kiến thẩm tra đề nghị cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển ngay trong Luật trước khi giao Thủ tướng Chính phủ quy định, đồng thời cần quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị chưa tiến hành đấu giá băng tần trong giai đoạn hiện nay vì dễ dẫn đến nhà mạng nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ trúng đấu giá, có thể ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị quy định thêm các quy định về đấu giá trong Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.

Đối với quy định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay quy định trong Luật còn chưa cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định mức thu, phương thức thu nên đề nghị quy định nguyên tắc tính toán mức thu, quy định về quản lý, sử dụng, đặc biệt là thu cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Cho ý kiến đối với Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo cụ thể và rõ ràng hơn về phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Theo đó, báo cáo cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ; quyết định băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng được thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về đấu giá tần số vô tuyến điện, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động. Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản cũng như các quy định về pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật bổ sung, làm rõ điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, luật hiện hành đang quy định ba phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

Việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính công khai minh bạch, xem có vướng mắc gì về các quy định pháp luật, hình thức đấu giá và thi tuyển cần phù hợp thực tế nên đề nghị các cơ quan cần có sự thảo luận thêm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh, bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.

Đưa ra nhận xét là các quy định về đấu giá chưa rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, hiện nay, có ý kiến chưa rõ tiêu chí băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ là thế nào, chưa biết Thủ tướng sẽ quyết định trên cơ sở nào? Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật cần làm rõ hơn về nội dung này.

Lưu ý băng tần là hữu hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, băng tần đấu giá xong là tài sản của doanh nghiệp mà sau đó chuyển nhượng thì cần phân biệt là chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh hay do không sử dụng để tránh trục lợi, đầu cơ sau đó không sử dụng rồi đem bán lại. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong Dự án Luật cần quy định rõ chính sách tài chính nếu doanh nghiệp đầu cơ thì xử lý thế nào, đấu giá rồi không sử dụng thì cơ chế xử lý ra sao.

Theo kế hoạch, sau Phiên họp, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chuyên đề