Theo Quyết định 16/2012/QĐ-TTg thì đối tượng được tham gia đấu giá là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng. Ảnh: Lê Tiên |
Đấu giá giữa các doanh nghiệp nhà nước
Thực hiện Quyết định 16/2012/QĐ-TTg ngày 8/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và Quyết định số 835/QĐ-TTg ngày 3/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các băng tần được đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã triển khai công tác chuẩn bị cho việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần 2500 – 2570 MHz và băng tần 2620 – 2690 MHz (gọi là băng tần 2.6 GHz).
Ngày 29/5/2017, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần 2.6 GHz đã đăng tải thông báo mời tham gia đấu giá và gửi đến các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá. Tại thời điểm đó, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017 nên Bộ đã quyết định thông báo đến các doanh nghiệp (DN) sẽ tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz theo quy định tại Luật ĐGTS.
Tuy nhiên, thực tế có 9 DN thể hiện có nhu cầu sử dụng băng tần 2.6 GHz, trong đó có 5 DN đã có hạ tầng mạng viễn thông di động mặt đất (Viettel, Mobifone, VNPT, Gtel, Vietnamobile) và 4/5 DN này do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Viettel, Mobifone, VNPT, Gtel).
Bộ TT&TT đánh giá, về nguyên tắc trong đấu giá, người tham gia đấu giá phải sử dụng tiền của chính mình đề cân nhắc và trả giá để đảm bảo tối đa hóa lợi ích có được từ việc đấu giá thành công tài sản đó. Nếu người tham gia đấu giá sử dụng tiền của người khác để trả giá (ở đây là tình trạng các DN nhà nước tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực chất là đang sử dụng tiền của Nhà nước để tham gia đấu giá) thì có thể dẫn đến tình trạng trả giá cao quá mức cần thiết để mua bằng được tài sản mà không cần cân nhắc, xem xét đến hiệu quả sử dụng sau này.
Theo thông lệ trên thế giới, các DN tham gia đấu giá là các DN tư nhân nên việc trả giá đấu giá và có được quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phản ánh chính xác giá trị băng tần số trong cuộc đấu giá. Nhưng ở Việt Nam, với thực trạng trên, Bộ TT&TT e ngại, nếu không có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân thì kết quả đấu giá chưa chắc đã phản ánh chính xác giá trị băng tần số đấu giá.
Mặt khác, quy định hiện hành về việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN cũng như quy định của Luật Đầu tư công yêu cầu Bộ chủ quản phê duyệt trước danh mục dự án đầu tư nhóm A, B đối với các dự án của DN trực thuộc. Vì vậy, nếu coi việc trả giá đấu giá của tài sản (tần số vô tuyến điện) là một dự án đầu tư thì Bộ TT&TT phải phê duyệt trước khi DNNN tham gia đấu giá. Điều này làm mất đi tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá cũng như quyền, trách nhiệm của DN tham gia đấu giá.
Tính cạnh tranh không cao
Theo Quyết định 16/2012/QĐ-TTg thì đối tượng được tham gia đấu giá là DN cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng. Tuy nhiên, để được tham gia thị trường cung cấp dịch vụ thông tin di động, theo quy định thì DN mới, chưa có hạ tầng mạng viễn thông di động mặt đất cần phải cam kết đầu tư 7.500 tỷ đồng trong 15 năm. Để triển khai 1 mạng di động trên phạm vi cả nước thì số tiền đầu tư của DN lớn hơn nhiều so với số tiền cam kết đầu tư.
Được biết, băng tần 2.6 GHz được quy hoạch cho dịch vụ di động băng rộng với đặc tính kỹ thuật là băng tần lưu lượng; được phân chia thành 4 khối băng tần (3 khối băng tần 2x20MHz và 1 khối băng tần 2x10MHz). Đối với 1 DN mới, nếu chỉ có băng tần 2.6 GHz mà không có băng tần khác thì yêu cầu về đầu tư là rất lớn và không khả thi để thiết lập mạng di động mới. Qua khảo sát và phân tích của Bộ TT&TT thì chỉ có 4-5 DN trong số 9 DN có thể tham gia đấu giá và khai thác hiệu quả nhất băng tần này; trong khi quy định mỗi DN chỉ được trúng đấu giá tối đa 1 khối băng tần sẽ dẫn đến tính cạnh tranh trong đấu giá không cao. Mỗi khối băng tần có thể chỉ bán được bằng giá khởi điểm, hoặc thậm chí đấu giá không thành công, Bộ TT&TT nhận định.
Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ này không phê duyệt Danh mục dự án nhóm A, B của DN thuộc Bộ tham gia đấu giá đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, không xác định và phê duyệt giá đấu giá của DN, kể cả mức trần, của DNNN thuộc Bộ tham gia đấu giá. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các DNNN tự quyết định mức trả giá và tự chịu trách nhiệm về mức giá đó cũng như việc sử dụng hiệu quả khối băng tần có được sau đấu giá... chứ không yêu cầu DN hình thành dự án đầu tư khi tham gia đấu giá...