Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Tăng cạnh tranh để tối đa hóa nguồn thu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần có quy định tăng tính minh bạch, cạnh tranh mới có thể thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cần có quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá, vốn chủ sở hữu, hồ sơ mời đấu giá... Ảnh: Tô Luận
Để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cần có quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá, vốn chủ sở hữu, hồ sơ mời đấu giá... Ảnh: Tô Luận

Kể từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực cho đến hết tháng 6/2019, số tiền thu được thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS) đạt hơn 1.041 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với số tiền cấp QKTKS hàng năm thu được không qua đấu giá (khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng). Do vậy, cần có quy định tăng tính minh bạch, cạnh tranh mới có thể thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá, qua đó có thể khai thác tối đa nguồn thu này cho ngân sách nhà nước.

Minh bạch thông tin để tăng sức hút doanh nghiệp

Yêu cầu nêu trên được đặt ra trong bối cảnh Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá QKTKS (NĐ22). NĐ22 ra đời trên cơ sở Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng NĐ thay thế NĐ22 để phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, các quy định phải được xây dựng theo hướng thuận tiện, tạo thuận lợi tối đa cho các DN tham gia đấu giá, đồng thời tăng tỷ lệ thu tiền cấp QKTKS qua đấu giá.

Để rộng cửa cho các DN tham gia đấu giá QKTKS, nhiều ý kiến DN cho rằng, trước tiên cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về kế hoạch đấu giá, văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá QKTKS...

Đối với kế hoạch đấu giá QKTKS, Luật Khoáng sản quy định, khi một mỏ khoáng sản mới được đưa vào quy hoạch thì các DN vẫn chưa được xin cấp QKTKS, mà vẫn phải đợi văn bản quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc mỏ đó sẽ được đấu giá hoặc không đấu giá QKTKS. Quy trình này có thể kéo dài, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến việc lựa chọn DN tốt nhất để khai thác mỏ khoáng sản đó. Việc ban hành và công bố kế hoạch đấu giá QKTKS sẽ là cơ sở để DN tiếp cận các mỏ khoáng sản một cách minh bạch hơn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn phải ban hành kế hoạch đấu giá QKTKS tính từ thời điểm mỏ khoáng sản được đưa vào quy hoạch.

Cùng với kế hoạch đấu giá QKTKS, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần công khai cả văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá QKTKS, trong đó nêu rõ lý do trường hợp không được phê duyệt, để tăng tính minh bạch cho hoạt động đấu giá.

Loại bỏ các tiêu chí hạn chế cạnh tranh

Thực tế cho thấy, càng nhiều DN tham gia đấu giá thì tính cạnh tranh về giá càng cao, mang lại hiệu quả cho thu ngân sách nhà nước. Muốn làm được điều này, VCCI cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo NĐ thay thế cần cân nhắc khi đưa vào một số quy định về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá, vốn chủ sở hữu, hồ sơ mời đấu giá và tiêu chí xét chọn DN tham gia đấu giá... Nếu không thì sẽ làm hạn chế sự tham gia của các DN, giảm tính cạnh tranh trong đấu giá.

Cụ thể, về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá, Dự thảo NĐ thay thế yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản phải có ít nhất một đấu giá viên có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật địa chất hoặc khai thác mỏ. Trong khi đó, Luật Đấu giá lại quy định, đấu giá viên phải có bằng đại học một trong các lĩnh vực luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng. Như vậy, nếu kết hợp hai quy định này, thì một đấu giá viên sẽ phải có hai bằng đại học. Nếu duy trì quy định này thì sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải sử dụng Hội đồng đấu giá thay vì đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp. Trong khi đó, chủ trương chung của Luật Đấu giá là khuyến khích sử dụng các đơn vị chuyên nghiệp. Do đó, VCCI khuyến nghị cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định này.

Đối với điều kiện về vốn chủ sở hữu của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, các DN đều thừa nhận đây là một trong những điều kiện cần thiết nhằm tránh tình trạng DN trúng đấu giá nhưng lại không đủ điều kiện về vốn để xin cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Thế nhưng không ít DN lại cho rằng, nếu đưa ngay điều kiện này tại thời điểm tham gia đấu giá là không phù hợp, hạn chế các DN tham gia. Thực tế, khi tham gia đấu giá, DN chưa thể biết có trúng đấu giá hay không, nên khó huy động một lượng vốn lớn. NĐ thay thế chỉ nên yêu cầu DN nộp văn bản xác nhận điều kiện vốn chủ sở hữu tại thời điểm xin cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Khi xin cấp phép hoạt động, trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp được văn bản xác nhận điều kiện vốn chủ sở hữu thì sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc.

Về hồ sơ mời đấu giá, Dự thảo NĐ yêu cầu tổ chức, cá nhân tham dự đấu giá phải dự kiến các nội dung về mục đích, địa chỉ sử dụng khoáng sản sau khai thác, phương pháp, công nghệ, thiết bị khai thác, mức độ chế biến khoáng sản. Tiêu chí để xét chọn đơn vị tham gia cuộc đấu giá QKTKS là phải có cam kết về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy định. Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản không có bước xét chọn như trên.

Theo một số chuyên gia, tiêu chí để lựa chọn đơn vị trúng đấu giá chỉ là yếu tố giá, không bao gồm các yếu tố về năng lực, trang thiết bị, kinh nghiệm, phương án chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc đưa ra các tiêu chí này có thể dẫn đến nguy cơ tuỳ tiện, thậm chí tham nhũng, tiêu cực khi xét chọn DN trúng đấu giá. Từ phản ánh đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo NĐ thay thế NĐ22 cần bám sát các tiêu chí cứng trong Luật Khoáng sản về điều kiện cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, không bổ sung thêm các tiêu chí khác.

Chuyên đề